Khi tình yêu Hà Nội lắng nhịp suy tư cùng dáng Rồng bay
Hà Nội – thành phố ngàn năm tuổi linh thiêng, hào hoa với dáng Rồng bay tự lâu nay đã trở thành tâm hồn của mỗi chúng ta, thân thương như nỗi niềm được chắt ra từ đáy tim, hòa cùng từng hơi thở bồi hồi. Sau hơn một nửa thế kỷ Hà Nội giành quyền tự chủ, biết bao người đã, đang và sẽ sống – yêu – trăn trở – hy vọng cùng mảnh đất này, cùng dòng chảy văn hóa "trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau" bất tận, hùng tráng...
Khuê Văn Các – biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến
"Cần giải quyết thách thức về quy hoạch đô thị và giữ gìn văn hóa"
Có duyên đến với Hà Nội để thực hiện công tác quản lý đô thị, một số bạn bè quốc tế đã coi đây là quê hương thứ hai của bản thân. Họ say mê, day dứt về thành phố như thể chính mình là người Tràng An vậy!
"Hà Nội là một thành phố đi bộ tuyệt vời. Tuy nhiên, trên các con phố cổ là những hàng xe đỗ ở rìa đường, mọi thứ giăng tỏa khiến không gian như bị bóp nghẹt. Khi Hà Nội trở nên đông đúc thì nhu cầu bảo tồn, gìn giữ, quy hoạch lại không gian khu phố cổ càng trở nên bức thiết. Thành phố cần tìm những nơi khác để phát triển các hoạt động kinh doanh vốn đã quá tải, cũng như đảm bảo một không gian sống cho những cư dân mới" – cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak nhận định.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak (thứ hai từ trái sang)...
... nhận định Hà Nội cần có biện pháp bảo tồn, gìn giữ, quy hoạch lại không gian khu phố cổ
Đáng chú ý, ngài đại sứ còn thẳng thắn chia sẻ rằng: “Gần khách sạn Melia từng có chợ Âm phủ mà tôi vẫn thường lui tới. Thế rồi, đến một ngày kia, nó biến mất rất nhanh chóng. Tôi nghĩ thật tiếc! Nhưng khá dễ hiểu, khi khu vực đó đang phát triển vùn vụt”. Tâm sự này khiến không ít người phải giật mình, thảng thốt nhận ra Hà Nội đang để tuột khỏi tay những tài sản tinh thần vô giá mà vẫn chẳng hề hay biết.
Trong khi đó, chuyên viên Đại sứ quán Italia Cesara Bieller bày tỏ: "Một trong những điều thu hút khách du lịch đến Hà Nội là phố cổ, chứ không phải những tòa nhà chọc trời. Nếu phố cổ bị "bốc hơi" thì khi đến đây làm ăn, người nước ngoài sẽ ở lại chỉ khoảng 1 ngày vì chẳng có gì để xem. Phố cổ khiến Hà Nội khác biệt so với các thành phố khác. Mỗi con phố nhỏ, hẹp với dòng phương tiện đi lại như thoi đưa đều hết sức quyến rũ du khách, nhờ điểm nhấn là các cửa hàng thủ công nối tiếp nhau… Tôi rất buồn khi mỗi lần trở lại Hà Nội lại thấy một số công trình bị phá hủy. Nếu người Hà Nội không ý thức bảo tồn nhà cổ thì 20 năm nữa sẽ phải xây lại những khu phố giả cổ ở ngoại thành".
Tiến sĩ – kiến trúc sư người Đức Michael Waibel đánh giá Hà Nội nằm trong Top đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á
Còn tiến sĩ – kiến trúc sư người Đức Michael Waibel là một chuyên gia quy hoạch đô thị đã nghiên cứu sự thay đổi và tương lai phát triển của thành phố Hà Nội nhiều năm nay. Ông đánh giá Hà Nội nằm trong Top đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Di tích của các công trình uy nghiêm, tráng lệ từ thời phong kiến. Biết bao con phố thoáng đãng, rợp bóng cây xanh có từ thời Pháp. Những biệt thự hoành tráng nằm giữa những khu vườn yên tĩnh. Vô số chùa chiền với không gian tĩnh mịch. Một số công trình mới mang dấu ấn của nền kinh tế thị trường, tăng trưởng thời kỳ Đổi mới... Tất cả khiến thành phố hội tụ tinh hoa từ hàng loạt thời kỳ lịch sử, làm nên sự pha trộn đầy cuốn hút của nhiều nền kiến trúc khác nhau.
"Trong mấy năm qua, Hà Nội chứng kiến nhiều chuyển biến lớn. Khu vực trung tâm lịch sử của thành phố gia tăng mật độ xây dựng, cũng như chiều cao công trình một cách chóng mặt. Hà Nội đã mất đi một phần lớn di tích kiến trúc cũ trong quá trình hiện đại hóa. Cùng với đó, hệ thống cây xanh ngày càng trở nên nhạt nhòa bởi những dự án phát triển đô thị. Thật đáng tiếc!... Muốn Hà Nội trở thành thành phố xanh, cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về không gian mở, không gian công cộng, quy mô dân số, khơi dậy ý thức người dân giữ gìn được văn hóa địa phương. Hà Nội đang bị lái xa dần chính nó, mất dần sợi dây kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai. Nếu không nghiêm túc nhìn nhận và bảo tồn văn hóa, Hà Nội sẽ mau chóng trở thành một thành phố không bản sắc” – ông Michael Waibel cho biết.
"Công cuộc xây dựng Hà Nội và đất nước xin nhường lại cho thế hệ sau"
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xúc động khi gặp gỡ các cựu tù chính trị bị địch bắt giữ, tù đày năm xưa trong sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô
Qua hơn nửa thế kỷ Hà Nội được giải phóng, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Trưởng ban Liên lạc nhà tù thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn Thủ đô mãi xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. "Niềm vui chưa thực sự trọn vẹn bởi đất nước vẫn còn kém phát triển. Hà Nội là Thủ đô nhưng khoảng cách giàu – nghèo còn xa. Chủ quyền biển đảo lãnh thổ bị đe dọa nghiêm trọng. Hình ảnh Thủ đô phai nhạt dần, nhiều chuẩn mực đạo đức bị vi phạm, ảnh hưởng xấu đến vị thế trung tâm. Đây là suy nghĩ, lo lắng và sự lên tiếng từ trái tim của cả một thế hệ từng trải qua thời kỳ vận mệnh dân tộc đứng trước thử thách cam go" – tướng Hương nói.
Trong khi đó, cựu tù chính trị Phú Quốc Hoàng Gia Lượng lại trăn trở nhiều về thế hệ trẻ hôm nay: "Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, tuổi trẻ luôn là rường cột, là lực lượng đi đầu của đất nước. Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh, coi việc cầm súng bảo vệ Tổ quốc là bổn phận, là lẽ đương nhiên và không tính toán được – mất cho riêng mình. Còn công cuộc xây dựng Hà Nội và đất nước xin nhường lại cho thế hệ sau".
Những người đi trước luôn kỳ vọng, sẵn sàng trở thành chỗ dựa cho thế hệ sau xây dựng Thủ đô và đất nước
Ông Lượng khẳng định "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người đi trước luôn kỳ vọng và sẵn sàng trở thành chỗ dựa cho thế hệ sau". Bên cạnh đó, ông kiến nghị nhà nước nên có các hoạch định thiết thực hơn nữa để chăm lo cho những người thuộc diện chính sách, có công trong kháng chiến.
"Người tứ xứ cũng đem đến cho Hà Nội những nét đẹp bản địa"
Tuổi 89 của nhà nghiên cứu Giang Quân được tô thêm một mốc son đáng nhớ khi "Giải thưởng Lớn Vì tình yêu Hà Nội" trong giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ tám của báo Thể Thao & Văn Hóa vừa vinh danh ông. Không học hàm – học vị, chưa từng làm ở cơ quan nghiên cứu nào, nhưng nhà khoa học khả kính đã tặng lại hơn 30 đầu sách đều viết về Hà Nội cho đời.
Nhà nghiên cứu Giang Quân: "Người tứ xứ cũng đem đến cho Hà Nội những cái đẹp của vùng quê họ."
Nhiều người gọi đùa ông là một “nhà nghiên cứu nhân dân”, "nhà Hà Nội học”, bởi các tác phẩm bao quát nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, danh nhân, nghề truyền thống, ngạn ngữ, ca dao... Nổi bật trong số đó là "Khâm Thiên – gương mặt cuộc đời", "Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội", "Hà Nội phố phường", "Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ", "Văn hóa gia đình người Hà Nội", "Thăng Long – Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch"... Năm 2011, Giang Quân vinh dự được trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú". Ông hóm hỉnh bảo, có lẽ những thành tựu mình đạt được ngày hôm nay đều là do tấm chân tình si mê "cô gái Hà Nội" của một chàng trai nặng lòng bị hút vào mà không cách nào dứt ra nổi.
Hà Nội hôm nay đã khác xa hơn 60 năm trước, khi chàng trai quê Hải Dương ấy đặt chân đến. Cái khác lớn nhất là văn hóa người Hà Nội. Giang Quân trầm ngâm: "Có người thường trách văn hóa Hà Nội đi xuống vì những người dân nơi khác đến. Tôi thì lại cho rằng người tứ xứ cũng đem đến cho Hà Nội những cái đẹp của vùng quê họ. Chỉ có điều, họ chưa kịp bắt nhịp với lối sống đô thị, còn rơi rớt lối sống tự do, tùy tiện. Rồi cùng với thời gian, người ta cũng sẽ phải "nhập gia tùy tục""
"Những nét đẹp văn hóa Hà Nội có thể bị phôi pha, nhưng không bao giờ mất..."
Bên cạnh đó, có một điều đi theo Giang Quân suốt cuộc đời nghiên cứu mà ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại là: "Khi đề cập về vấn đề tuyên truyền thi đua người tốt – việc tốt, Bác Hồ nói rằng, phải có những con người cụ thể, những việc làm cụ thể. Bởi thế, hãy luôn "gạn đục, khơi trong", tìm những nhân tố tích cực để tuyên truyền đến mọi người thông qua trang viết. Dẫu cuộc sống ngoài xã hội hôm nay, lời ăn tiếng nói không thanh, không đẹp như xưa; thậm chí, nhiều giá trị của văn hóa ứng xử bị đảo lộn, tôi vẫn giữ niềm tin rằng, những nét đẹp văn hóa Hà Nội có thể bị phôi pha, nhưng không bao giờ mất!"
"Hãy hát bằng trái tim, Hà Nội sẽ đẹp mãi trong tâm thức mỗi người!"
Đúng dịp kỷ niệm 61 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ca sĩ trẻ Phạm Thu Hà cho ra mắt album "Hà Nội... Yêu" theo phong cách jazz. Nhẹ, trong, ấm và đong đầy tình yêu Hà Nội là những điểm nhấn mà cô gói ghém vào sản phẩm được ê-kíp nhạc sĩ Vũ Anh Tuấn cùng những nghệ sĩ Mỹ tài năng chau truốt.
Ca sĩ Phạm Thu Hà trong buổi họp báo ra mắt album "Hà Nội... Yêu"
Khi được hỏi về hình hài – vóc dáng cụ thể của tình yêu Hà Nội mà mình thể hiện trong "Hà Nội... Yêu", Phạm Thu Hà cho hay: "Sinh ra ở Hải Phòng, quê gốc Nam Định, tôi gắn bó với Hà Nội từ khi theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hà Nội đã cho tôi nhiều thứ, những hạnh phúc, hy vọng và cả nỗi đau của con người. Mỗi kỷ niệm ngọt ngào, trắc trở, hờn giận, vui buồn... của tôi luôn có hình ảnh Hà Nội. Tôi thầm thương từng buổi chiều vàng ngập sắc lá rơi; trộm nhớ khung cảnh lung linh của Tháp Rùa, Hồ Gươm, Nhà thờ Lớn...; say lòng giữa không gian trang nghiêm của Văn Miếu, phủ Tây Hồ; mê mệt nét dịu dàng của chợ hoa ngày Tết... Tất cả những điều đó đã trở nên quen thuộc với tôi, và hàng đêm nhắc lại trong tôi bằng dòng suối ca từ thi vị viết về Hà Nội.
Tôi hoàn thành đĩa nhạc này cũng chính nhờ tình yêu đó. Nó là lời tri ân sâu sắc với mảnh đất không phải là quê hương nhưng đã dang tay đón nhận giọng hát Phạm Thu Hà, cho tôi một đời sống âm nhạc phong phú, chấp nhận tôi như một phần nhỏ của Hà Nội. Có thể bạn không tìm thấy được từ “Hà Nội” trong lời ca tôi cất lên, nhưng chắc chắn sẽ cảm nhận được ở đâu đó một Hà Nội rất riêng, rất lãng mạn và đằm thắm!"
Phạm Thu Hà cho rằng: "Với người nghệ sĩ, điều quan trọng là hãy hát bằng trái tim. Từ đó, Hà Nội sẽ đẹp mãi trong tâm thức mỗi con người"
Song song đó, chủ nhân giải thưởng âm nhạc Cống Hiến 2013 cũng không giấu nổi những nỗi ưu tư. Cô cho rằng Hà Nội bây giờ hơi khác so với Hà Nội của cô trong quá khứ. Ngày một nhiều người đổ về Hà Nội và dựng xây thêm nhiều ước mơ. Nhưng cũng chính điều này khiến cho Hà Nội trở nên xô bồ. Thậm chí, đôi khi, mỗi cá nhân ở Hà Nội như bị quăng quật, giành giật và xô đẩy. Vì thế, đời sống âm nhạc – nghệ thuật ở Hà Nội không còn nhiều sự thuần khiết và trong trẻo nữa. Hậu quả là nảy sinh sự cạnh tranh không lành mạnh, các vụ tạo danh tiếng bằng scandal không đáng có...
Tuy vậy, "với người nghệ sĩ, điều quan trọng là hãy hát bằng trái tim, thì từ trái tim sẽ chạm tới trái tim. Nhờ đó, Hà Nội đẹp mãi trong tâm thức mỗi chúng ta. Lớp thế hệ thanh niên Thủ đô ngày nay có thể tìm đến những giá trị mới, trên cơ sở học hỏi, tận dụng và phát huy các giá trị được thừa hưởng từ ngày độc lập do công lao cha ông mang lại. Tình yêu quê hương sẽ luôn hòa quyện và trở thành động lực thôi thúc mỗi người trẻ cống hiến cho mảnh đất ngàn năm văn vật và cho Tổ quốc" – nữ ca sĩ mỉm cười rạng rỡ.
Thủy Chinh