Khảo sát của JETRO: 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 22/8-1/9/2022 khi nền kinh tế toàn cầu chứng kiến những biến động lớn, bao gồm việc Trung Quốc đóng cửa biên giới như một phần của chính sách Zero-Covid, cũng như tình trạng suy thoái diễn ra tại nhiều nước châu Âu.
Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, cách đây vài năm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản còn phân vân không biết nên đầu tư vào Việt Nam hay Myanmar. Tuy nhiên, khảo sát năm 2022 cho thấy có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, cao nhất trong ASEAN, cao hơn 4,7 % so với khảo sát trước đó và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (40,3 %), Indonesia (47,8 %) và Myanmar (11,7 %).
Tại Myanmar, có tới 30,9% doanh nghiệp Nhật Bản dự định thu hẹp quy mô hoặc chuyển hoạt động sang quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Trong khi đó, theo khảo sát, tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ là 1,1%.
Các tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất tại Công ty Sunegry Việt Nam có vốn đầu tư Nhật Bản tại Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang. Doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng chú trọng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Theo ông Takeo, lợi thế hàng đầu của Việt Nam đến từ quy mô thị trường hiện tại cũng như tiềm năng tăng trưởng. Trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và Bangladesh về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng mở rộng kinh doanh.
Kết qủa cuộc khảo sát cũng đề cập đến những hạn chế trong điều kiện kinh doanh là các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm. Tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản còn e ngại trước một số rủi ro liên quan đến hiệu quả của thủ tục hành chính, hệ thống thuế, thủ tục thuế, hệ thống luật pháp, thủ tục visa và giấy phép lao động.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Jertro tại TP HCM, các doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về thời gian và chi phí để tiến hành các thủ tục trong việc mở rộng đầu tư cũng như đầu tư mới. Thủ tục hành chính thiếu minh bạch làm tăng chi phí. Bên cạnh đó, chi phí lao động ngày càng tăng.
Ông cho biết, Việt Nam thường được so sánh với Indonesia về mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Lý do là vì Việt Nam cũng gặp rủi ro tương tự Indonesia hay Thái Lan như tăng lương và chi phí.
Cụ thể, theo ý kiến chuyên gia, Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội do dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cụ thể, tỷ lệ mua sắm trong nước của Việt Nam là 37,7%, trong đó mua sắm từ các nhà cung cấp Việt Nam chỉ là 15%, thấp hơn so với Thái Lan (23%) và Ấn Độ (36%).
“Vấn đề của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với các nước không chỉ là giá nhân công mà còn là năng suất lao động”, ông nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2022 với tổng vốn đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. |
Quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra thuận lợi nhưng Việt Nam chưa tận dụng được hết.
Những lý do chính dẫn đến tình trạng này được cho là do Việt Nam chưa cung cấp được nguyên phụ liệu, linh kiện đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Nobuyuki nhấn mạnh: “Chỉ khi Việt Nam có khả năng cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện ổn định, chất lượng thì mới có thể tận dụng được cơ hội này,”.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự phát triển của ngành cung ứng phụ tùng tại Việt Nam.
Về lợi nhuận, 47,6% doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy sự cải thiện, cao hơn 16,2 % so với năm 2021. Hơn 53,6% doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện vào năm 2023, một tỷ lệ cao thể hiện triển vọng trong tương lai.