Khẩn trương triển khai tìm kiếm tàu cá và hàng chục ngư dân mất tích trên biển
Hiện có 2 phương án đang được chính quyền địa phương và các ngành chức năng đưa ra đó là nếu tàu đang ở vùng biển an toàn thì khẩn trương liên lạc với địa phương và cơ quan chức năng yêu cầu tàu vào bờ tránh trú an toàn. Trong trường hợp tàu có sự cố về máy móc, cần liên hệ với Trung tâm cứu hộ cứu nạn để lực lượng chức năng có biện pháp đưa tàu vào, hạn chế tối đa các tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với tàu và các ngư dân.
Tàu, thuyền đánh cá vào neo đậu tránh bão tại cảng Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Ảnh: TTXVN.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Nghệ An đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An và các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kêu gọi được hầu hết tàu thuyền vào trú ẩn an toàn.
Tính đến 17 giờ ngày 17/7 hầu hết tàu thuyền của tỉnh Nghệ An và tàu của các tỉnh khác hoạt động trên vùng biển Nghệ An đã vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn. Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt trên biển cũng đã có 1.275 tàu thuyền về trú ẩn. Thị xã Hoàng Mai có trên 900 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Khu vực mà các tàu thuyền trú ẩn là các bến cá hoặc những vị trí đã được chính quyền địa phương quy hoạch làm nơi tránh, trú cho tàu thuyền khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão lũ. Khi về trú ẩn, các chủ tàu thuyền cùng ngư dân tổ chức chằng chống tàu thuyền tránh va đập khi có sóng to, gió lớn; trên tàu thuyền hạn chế bố trí người ở lại đề phòng có gió to, sóng lớn nguy hiểm.
Nghệ An có trên 4.000 phương tiện đánh bắt thủy sản các loại, tập trung ở thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc. Tại những địa phương này, ngư dân đã có nhiều kinh nghiệm đi biển, ứng phó với các tình huống phức tạp của bão lũ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh vẫn thiếu nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền; cơ sở hạ tầng phục vụ việc neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền còn hạn chế…
Huy động hơn 100 người tìm kiếm 3 ngư dân mất tích trong vụ đắm tàu tại Cô Tô
Ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết lực lượng chức năng vẫn đang ráo riết tìm kiếm 3 thuyền viên mất tích vì tàu cá bị sóng biển đánh chìm. “30 tàu cứu hộ cùng hơn 100 người đã được huy động tới khu vực tàu chìm nhưng do gió lớn đến cấp 6, cấp 7 nên công tác ứng cứu gặp khó khăn. Cô Tô đã có lệnh cấm các tàu ra khơi, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về neo đậu trong các âu, vịnh kín gió”, ông Long nói.
Trước đó, 4 trong 7 ngư dân đã được ứng cứu kịp thời tại trạm Biên phòng Cô Tô. 3 thành viên còn lại của tàu hiện vẫn mất tích.
Cụ thể, rạng sáng 15/7, tàu cá hải Phòng đang di chuyển tới khu vực âu tàu Cô Tô tránh gió thì gặp dông lốc nên phải thả neo cách Cô Tô khoảng 8 hải lý. Vừa thả neo, tàu cá bất ngờ bị tàu vận tải (chưa rõ số hiệu) tông trúng và bị chìm, 7 người trên tàu bị rơi xuống biển.
Trực thăng kịp thời đến cứu ngư dân gặp nạn tại Trường Sa
Hai ngư dân đánh bắt tại ngư trường Trường Sa không may bị cần cẩu gãy đè trọng thương, nguy kịch. Trực thăng vượt ngàn cây số ra đảo Thuyền Chài cứu 2 ngư dân gặp nạn.
Bệnh nhân Tỉnh nguy kịch được trực thăng đưa về đất liền cấp cứu. Ảnh: Zing.
Ngày 16/7, tổ cấp cứu hàng không Bệnh viện Quân y 175 - TP.HCM đã cấp cứu đưa 2 nạn nhân bị tai nạn lao động trên biển về đất liền thành công.
Trước đó, hai ngư dân Lê Văn Tỉnh (28 tuổi) và Phạm Thanh Bằng (21 tuổi, cả hai đều ngụ Phú Quý, Bình Thuận) đang đánh bắt cá gần đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa. Trong lúc bốc xếp hàng, cần cẩu đột ngột bị gãy đè trúng người hai ngư dân khiến anh Tỉnh nguy kịch, anh Bằng bị gãy chân.
Nhận lệnh, tổ cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 đưa một kíp cấp cứu, một kíp phẫu thuật cùng nhiều trang thiết bị, lượng máy đủ sẵn sàng mổ cho bệnh nhân ngay trên đảo xuất phát.
Trực thăng cất cánh vào khoảng 5h, do quãng đường đến đảo Thuyền Chài, nơi bệnh nhân được cấp cứu xa, máy bay phải bay từ TP.HCM đến đảo Trường Sa lớn tiếp nhiên liệu trước. Sau đó, trực thăng tiếp tục bay đến đảo Thuyền Chài cách Trường Sa khoảng 85 hải lý, đưa bệnh nhân lên máy bay. Tổ hàng không lại quay trở lại Trường Sa lớn tiếp nhiên liệu lần 2 và đưa 2 nạn nhân vào đất liền lúc 15h45.
Xe cấp cứu đợi sẵn tại sân bay Tân Sơn Nhất sau đó đã đưa hai ngư dân về Bệnh viện Quân y 175 tiếp tục điều trị.
V.H (t/h)