Kết nối giao thương doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát) |
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi là tên gọi Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp cùng với thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 17/11, tại Hải Phòng.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, sự kiện với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, hiệp hội nhập khẩu, doanh nghiệp thành phố Hải Phòng sẽ nắm bắt thêm thông tin về tình hình, nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường; tiềm năng, dư địa xuất khẩu.
Doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu thành phố Hải Phòng cũng như nắm bắt tình hình phát triển logistics tại địa phương.
Qua đây, Bộ Công Thương tin tưởng chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được củng cố và phát triển, thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng được mở rộng, đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn và bền vững hơn.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, thành phố trong những năm gần đây luôn là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19, thành phố vẫn duy trì đà tăng trưởng hai con số. Trong 10 tháng của năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng gần 14% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 135 triệu tấn.
Hải Phòng cũng là một điểm sáng trong thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài (FDI) và luôn duy trì đứng trong top đầu cả nước.
Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố có 910 dự án đầu tư còn hiệu lực của các nhà đầu tư đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt gần 30 tỷ USD; trong đó thành phố hiện có 163 dự án đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp (chiếm gần 94%), còn lại là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics, thương mại, máy móc...
Hải Phòng hiện có 7 dự án đến từ nhà đầu tư Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 13,1 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Hiện thành phố Hải Phòng chưa có dự án đến từ các nhà đầu tư Nam Phi.
Thành phố Hải Phòng đang tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo hướng phát triển ba trụ cột kinh tế gồm công nghiệp-công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị để tiếp tục thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững, thành phố Hải Phòng nên quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại và chỉ đạo, tạo điều kiện cho Sở Công Thương, cơ quan xúc tiến thương mại địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh các phương thức xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát) |
Song song với việc tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn như Trung Quốc, thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, ASEAN, Hải Phòng cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách, thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng như châu Phi, Nam Á; trong đó, đặc biệt chú ý thị trường châu Phi với gần 1,5 tỷ dân, nhập khẩu hơn 800 tỷ USD/năm, có vai trò vừa là thị trường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản (gạo, cà-phê, hạt tiêu), dệt may, da giày, thực phẩm... vừa là thị trường cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.
Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các hiệp định.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia sâu vào hệ thống phân phối ở nước ngoài...
Bà Phan Thị Thắng chia sẻ thêm, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 đã gặp rất nhiều khó khăn.
Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,3 tỷ USD, giảm 9,57% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 291 tỷ USD, giảm 7%; nhập khẩu đạt 266,6 tỷ USD, giảm 12,2%.
Về tổng thể, tuy xuất nhập khẩu chưa đạt được mức tăng của năm trước nhưng đã cho thấy xu hướng tích cực hơn những tháng đầu năm khi xuất nhập khẩu suy giảm mạnh.
Để đạt được kết quả trên, các địa phương trong cả nước đã chủ động điều chỉnh, thích ứng và đẩy nhanh quá trình ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng đầu năm 2023.
Theo Vietnamplus
https://www.vietnamplus.vn/ket-noi-giao-thuong-doanh-nghiep-hai-phong-voi-dn-trung-quoc-an-do-va-nam-phi-post908541.vnp