Huy động nguồn lực đầu tư cho hệ thống sân bay đang quá tải
Sân bay quá tải
Chia sẻ về thực trạng hoạt động của các sân bay hiện nay tại toạ đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23/6, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý và 1 cảng hàng không huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.
Giai đoạn từ năm 2011 đến 2019-2020, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải |
Tốc độ phát triển nhanh của vận tải hàng không gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn 2011-2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các sân bay là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi trước Covid-19 năm 2019, sản lượng thông qua các sân bay của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy, sản lượng khai thác của hệ thống sân bay vượt khoảng 20 triệu lượt khách so với công suất thiết kế.
Với lưu lượng như vậy, một số sân bay quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cơ sở đầu mối lớn của cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Phạm Ngọc Sáu - Nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn cũng cho rằng hệ thống sân bay của Việt Nam đối mặt với tình trạng quá tải. “Về nhu cầu hàng không, sản lượng hiện tại khoảng 100 triệu khách/1 năm. Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2030 sẽ là 279,5 triệu khách, gấp 2,7 lần.
“Với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, chỉ cần khoảng 3-5 năm chúng ta tăng gấp đôi lượng khách. Vì vậy, Việt Nam phải sớm triển khai được các dự án. Nếu năm 2024-2025 mới làm và thi công 2-3 năm, tức là đến năm 2027-2028 mới đưa vào khai thác, thì đến năm 2030 chúng ta lại tiếp tục quá tải. Như vậy luôn luôn trong tình trạng quá tải”, ông Sáu khẳng định.
Theo vị này, vấn đề quá tải sân bay ảnh hưởng rất lớn, đầu tiên là đối với các hãng hành không. Khi quá tải dẫn đến vấn đề lớn nhất là chậm, hủy chuyến. Chậm chuyến đối với các hãng hành không, chỉ cần 1 phút muộn sẽ tốn kém nhiên liệu 100 USD. Với những sân bay lớn, phải chờ đến 30 phút, ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí của hãng hành không và vấn đề môi trường. Vấn đề thứ ba là nguồn lực của hành khách cũng bị ảnh hưởng. Hành khách chậm chuyến khiến những vấn đề liên quan đến công việc cũng bị ảnh hưởng.
Thu hút nguồn lực đầu tư
Giai đoạn vừa qua, nguồn vốn huy động vào các cảng hàng không này chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Tổng cộng thu hút được 95 nghìn tỷ, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 13,5%, còn lại là nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (doanh nghiệp nhà nước) và nguồn vốn PPP cho sân bay Vân Đồn.
Liên quan đến nội dung đầu tư công - tư cũng như việc thu hút đầu tư, ở nước ngoài có rất nhiều nước như Mỹ, Australia, gần nhất như Trung Quốc, Singapore cũng đều đi theo hướng tư nhân hóa dần các sân bay. Theo đó, giai đoạn trước các sân bay do Nhà nước quản lý, dần dần có sự phối hợp giữa công và tư. Sau đó đó có cổ phần dưới 50% và cuối cùng là trên 50%.
Theo khuyến cáo, đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế, xu hướng sau này dần các sân bay sẽ được đầu tư từ khối tư nhân, phối hợp cùng Nhà nước để giảm tải vấn đề tài chính với khối công.
Tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tổ chức thu hút đầu tư sân bay do tư nhân làm theo hình thức BOT, đó là sân bay Vân Đồn. Chia sẻ về quá trình kêu gọi đầu tư và xây dựng sân bay cũng như cơ sở hạ tầng giao thông, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nói: “Chúng tôi tư duy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trung bình 1 đồng ngân sách bỏ ra, chúng tôi thu hút được 8-9 đồng ngoài ngân sách đầu tư cho tỉnh Quảng Ninh. Nhờ đó, giai đoạn 2014 cho đến nay, chúng tôi huy động được trên 140 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Ninh theo phương thức đối tác công - tư huy động được 45 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, Quảng Ninh hoàn thành được 180 km đường cao tốc chạy suốt chiều dài của tỉnh. Chúng tôi cũng đầu tư sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách Hòn Gai”.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy |
Sân bay Vân Đồn có chiều dài cất cánh 3.600 m, công suất thiết kế đến năm 2030 là 2,5 triệu lượt khách và sau 2030 là 5 triệu lượt khách. Hiện nay sân bay đón trên 5.000 chuyến bay, trong đó xấp xỉ 4.500 chuyến bay quốc tế, với lượng du khách trên 610.000, trong đó 80.000 khách quốc tế.
Ông Huy chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Đầu tiên, phương pháp tổ chức đầu tư, cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá chiến lược cần cải tiến để quyết tâm lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết đầu tư sân bay. Theo đó, Quảng Ninh thành lập 1 ban hỗ trợ đầu tư của tỉnh, hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục pháp lý cũng như thủ tục hành chính.
Tỉnh cũng rất quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đền bù, giải phóng mặt bằng là khâu quyết định để hỗ trợ nhà đầu tư một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất các chi phí đầu tư.
“Quảng Ninh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giải phóng mặt bằng, từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài chính quyền các cấp, chúng tôi huy động các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho đến các phân khu để đẩy nhanh tiến độ này. Thực tế tại Quảng Ninh, cũng rất thành công trong công tác giải phóng mặt bằng nhanh nhất và hiệu quả nhất”, ông Huy cho biết.