Hút thuốc gây ra hàng triệu ca đau tim, đột quỵ mỗi năm
Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá, 31/5 hàng năm, WHO cho biết, tình trạng hút thuốc trên thế giới đã giảm đáng kể từ năm 2000, nhưng vẫn còn quá nhiều người duy trì thói quen nguy hiểm này.
WHO cảnh báo rằng, nghiên cứu cho thấy đang có sự thiếu hụt kiến thức nghiêm trọng về các nguy cơ sức khỏe liên quan tới thuốc lá. Cụ thể, có quá ít nhận thức về tác động của hút thuốc đối với tim mạch.
Việc sử dụng thuốc lá liên quan đến hơn 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó có khoảng 890.000 trường hợp là hút thuốc gián tiếp (hút thuốc thụ động). Tuy vậy, nhiều người không biết được là có gần một nửa số người chết (khoảng 3 triệu ca) nói trên là do các bệnh tim mạch, bao gồm các ca đau tim và đột quỵ.
"Hầu hết mọi người đều biết việc sử dụng thuốc lá sẽ gây ung thư và bệnh phổi, nhưng nhiều người không biết thuốc lá cũng gây bệnh tim và đột quỵ - những kẻ giết người hàng đầu thế giới", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay. Theo ông Ghebreyesus, thuốc lá không chỉ gây ung thư mà còn "phá hủy trái tim theo đúng nghĩa đen".
Hút thuốc gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Ảnh AFP.
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 hóa chất, trong đó có hắc ín (tar) và nhiều chất khác có khả năng làm hẹp động mạch, làm hư hại các mạch máu. Chất nicotine, cũng ở trong thuốc lá, có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp.
Đồng thời, hút thuốc còn giải phóng các loại khí độc như carbon monoxide làm thay thế lượng oxy có trong máu, từ đó gây sụt giảm khả năng cung cấp oxy cho cơ tim - báo cáo của WHO nhấn mạnh.
WHO khẳng định, việc hút thuốc lá chịu trách nhiệm cho khoảng 17% trong số gần 18 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch trên toàn thế giới mỗi năm. Sự thiếu hụt kiến thức càng làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch ở nhiều nước.
Ví dụ như ở Trung Quốc, khảo sát của WHO cho thấy hơn 60% dân số nước này không hề biết hút thuốc có thể gây ra đau tim. Trong khi đó, ở Ấn Độ và Indonesia, hơn một nửa số người lớn không biết hút thuốc có khả năng gây đột quỵ.
Theo báo cáo mới đây của WHO về xu hướng và thói quen hút thuốc, tỷ lệ người dân vẫn duy trì thói quen nguy hiểm này đã giảm từ 27% của năm 2000 xuống còn 20% trong năm 2016.
Mặc dù vậy, cũng theo WHO, tốc độ giảm này vẫn là quá chậm. Do tăng trưởng dân số ngày càng nhanh, số người hút thuốc trên thế giới vẫn tương đối ổn định, ở mức khoảng 1,1 tỷ người.
Trọng Sang