Hướng tới xây dựng hệ sinh thái số cho người dân Việt Nam
Hội thảo Internet Day 2018 diễn ra ngày 5/12, có chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam”. Đây là sự kiện thường niên được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức nhằm tạo sân chơi chung, cập nhật những xu thế mới về phát triển hạ tầng, công nghệ cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp viễn thông, Internet cũng như các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.
Tham dự sự kiện năm nay, có: Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực; Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cùng khoảng 500 đại biểu là đại diện các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp cùng những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông, Internet, CNTT trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết: Bước sang năm thứ 21, Internet Việt Nam tiếp tục đặt ra những thách thức và mục tiêu mới, đó là xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ nền tảng số do người Việt tự phát triển, làm chủ.
Theo Thứ trưởng, với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, xếp 15 thế giới; trong đó tỉ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo.
Đáng chú ý, theo thống kê, thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 tiếng/ngày. Điều này chứng minh rằng, người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng phục vụ các nhu cầu khác nhau. Do vậy, phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và người dân Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện Internet Day năm nay với chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam”, với điểm nhấn là Tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam - người chơi và luật chơi”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định: Đây là một chủ đề rất thú vị và cũng rất thời sự.
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ nói chung, Internet nói riêng đã mang đến các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới - ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo phiên toàn thể sáng 05/12 tại sự kiện Internet Day 2018.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, cái còn thiếu chính là môi trường pháp lý, hay còn gọi là "luật chơi". Lấy dẫn chứng từ vụ kiện giữa Vinasun với Grab, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng: "Đó không chỉ đơn giản là sự “xung đột” giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất, đó là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ".
"Không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải xây dựng một luật chơi công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả các "người chơi" đề phải tuân thủ", Thứ trưởng chỉ ra giải pháp để các doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ.
Cũng theo ông Hưng, sẽ rất khó có thể nói đến những thành phần chính của hệ sinh thái số trong tương lai là gì. Hệ sinh thái số trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang thay đổi từng ngày và sẽ dịch chuyển sang các hình thái khác. Sẽ có những yếu tố buộc các loại hình dịch vụ này phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thành Hưng, có 2 yếu tố đóng vai trò chính cho sự thay đổi này trong thời gian tới là trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo mật cá nhân (Privacy). AI là công nghệ, các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm của mình nhanh hơn nữa để thu hút khách hàng; trong khi Privacy lại liên quan đến con người và xã hội, đến chính sách.
Đại diện Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam - Bộ TT&TT.
Các doanh nghiệp nội địa muốn sống sót, phát triển để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này.
"Để xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, doanh nghiệp trong nước vẫn cần đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Các sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp trong nước phát triển cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân đón nhận. Các doanh nghiệp lớn cần dẫn dắt thị trường, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia, cùng phát triển", ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định.
Trong thời gian tới, cả ba phía cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn để cùng đồng hành và cùng hướng tới sứ mệnh phục vụ quốc gia, người dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Hưng cũng đề nghị: "Các doanh nghiệp trong nước cần chung tay, liên kết lại để hướng tới những mục tiêu chung", "nghĩ cho những cái chung". Điều đó sẽ giúp Việt Nam nâng tầm nội lực của chính mình, vì cái chung đạt được thì cái riêng cũng sẽ được đáp ứng".
Ông Patrick Tsie, Giám đốc Kỹ thuật và Marketing khu vực ĐNA và Thái Bình Dương, tập đoàn Qualcomn trình bày về internet và 5G.
Chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, tại hội thảo, đại diện Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam, Bộ TT&TT cho hay: "Hệ sinh thái số Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, cầu nối đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam làm sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số được phát triển mạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư, kiên trì phát triển sản phẩm đủ sức cạnh tranh".
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển hệ sinh thái số Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, vị đại diện này nhấn mạnh, đối với Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ đặt ra là cần tập trung phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm: Mạng xã hội; Công cụ tìm kiếm; Trình duyệt; Hệ điều hành; Phần mềm phòng chống mã độc (AV).
Trong khuôn khổ Internet Day 2018, bên cạnh phiên hội thảo toàn thể diễn ra vào buổi sáng 5/12, vào buổi chiều cùng ngày còn diễn ra đồng thời 2 phiên hội thảo chuyên đề với các chủ đề “Phát triển hạ tầng, tài nguyên Internet và vấn đề quyền riêng tư, bảo mật” và “Chuyển đổi theo Cloud và tương lai các hệ sinh thái”.
Song song với hoạt động hội thảo chuyên đề, nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung số có tên tuổi trong nước và quốc tế cũng có gian hàng triển lãm tại Internet Day 2018 với nhiều sản phẩm hấp dẫn, công nghệ tiên tiến.
Dưới đây là một số hình ảnh đáng chú ý tại Internet Day 2018:
Gian hàng của hãng Huawei - tên tuổi hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc.
VNG góp mặt với nhiều công nghệ mới máy bán hàng thông minh, quản lý tập trung nhiều camera, kết nối nhiều thiết bị IoT...
Gian hàng của nhà đăng ký tên miền iNET thu hút sự quan tâm của khá nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
HITELI mang tới công nghệ trí tuệ nhân tạo, phần mềm trả lời tự động.
Viettel góp mặt với các công nghệ điện toán đám mây.
Gian hàng Mobifone gây chú ý với màn hình lớn kèm theo công nghệ nhận dạng khuôn mặt có độ chính xác cao.
Trong khi đó, FPT mang tới các gói dịch vụ số như truyền hình internet, internet cáp quang tốc độ cao...
Trọng Sang