Hơn 100 doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết lên kế hoạch huy động thêm 126,4 nghìn tỷ đồng
(Ảnh minh họa) |
Tính đến ngày 26/4, Fiingroup cho biết đã có 108 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết lên kế hoạch huy động vốn cổ phần với tổng giá trị dự kiến thực hiện trong năm 2023 là 126,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với 2 năm gần đây.
Nguồn Fiingroup. |
Trên thực tế, con số này bao gồm gần 29,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của NVL (chủ yếu phục vụ mục đích cơ cấu nợ vay) và gần 36 nghìn tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của VPB (để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài).
Nguồn Fiingroup. |
Nếu không tính đến kế hoạch phát hành của NVL và VPB, tổng giá trị huy động vốn cổ phần của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết dự kiến trong năm 2023 ước 61 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với năm 2022 và 2021.
Dù vậy, đây sẽ là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở nhóm có đòn bẩy tài chính cao như bất động sản và xây dựng, trong khi nguồn vốn truyền thống (bao gồm tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu) bị hạn chế.
Cũng theo đánh giá của Fiingroup, thanh khoản TTCK ở mức thấp là trở ngại chính của các kế hoạch huy động vốn. Giá trị giao dịch bình quân ở mức hơn 10 nghìn tỷ đồng/phiên (bằng 40% thanh khoản ở giai đoạn cao điểm về phát hành huy động vốn trước đây).
Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua và có thể khiến kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành của các doanh nghiệp khó khả thi hơn trong năm 2023.
Ở nhóm dịch vụ tài chính (chủ yếu là các CTCK), giá trị huy động vốn cổ phần năm 2023 dự kiến giảm gần 50%, ước đạt 14,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó bao gồm cả các kế hoạch (gần 7,5 nghìn tỷ đồng) đã được thông báo trong năm 2022 trước đó mà doanh nghiệp chưa thực hiện. Riêng năm 2023, đáng chú ý có kế hoạch huy động 4 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành quyền mua và phát hành riêng lẻ của Chứng khoán Tiên Phong (ORS).
Nguồn Fiingroup. |
Với nhóm bất động sản, giá huy động vốn cổ phần năm 2023 dự kiến giảm 46% nếu không tính đến kế hoạch của NVL.
Trong khi đó, các nhóm ngành dự kiến tăng huy động vốn cổ phần bao gồm Hàng và Dịch vụ công nghiệp (GMD, VSC), Tài nguyên Cơ bản (MSR, TLH), Y tế (DBD, DTG), CNTT (SGT) và Bảo hiểm (MIG).