Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng xuất hiện trong bản đồ hành chính Trung Quốc
Trong cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015), do PGS.TS Trương Minh Dục biên soạn và tập hợp, có viết: “Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng xuất hiện trong bản đồ hành chính Trung Quốc”. PGS.TS Trương Minh Dục đã liệt kê và đề cập đến các địa đồ hành chính Trung Quốc, do các tác giả Trung Quốc vẽ, thể hiện đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc.
“Cửu vực thú lệnh đồ”
Địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia hoàn chỉnh sớm nhất xuất hiện vào năm 1121 (đời Tống), là bức Cửu vực thú lệnh đồ được khắc trên đá, phát hiện năm 1960 tại huyện Vinh (tỉnh Tứ Xuyên).
Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng xuất hiện trong địa đồ hành chính Trung Quốc. |
Giới hạn cương vực nhà Tống trong Cửu vực thú lệnh đồ về phía nam đến Quỳnh Châu (Hải Nam). Hình trạng đảo Hải Nam ở góc dưới, bên trái của địa đồ này được vẽ khá chuẩn xác, gần giống với hình thể đảo Hải Nam trên bản đồ hiện đại. Trong khi vài tấm địa đồ có niên đại muộn hơn Cửu vực thú lệnh đồ lại mô tả không chính xác bằng.
Các địa đồ thời Nguyên, Minh
Các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như: Thiên hạ thống nhất chi đồ trong Đại Minh nhất thống chí (1461), Quảng dư đồ của La Hồng Tiên, hoàn thành năm 1541, khắc in năm 1555; Hoàng triều chức phương địa đồ khắc in năm Sùng Trinh thứ 9 (1636); Dư địa đồ của Dương Tử Khí khắc in năm 1526 là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền Trung ương các đời. Những địa đồ này thực hiện dưới sự ảnh hưởng phần nào của kỹ thuật vẽ địa đồ phương Tây, điểm cực nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không quá đảo Quỳnh Châu (Hải Nam).
“Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ”
Dưới triều nhà Thanh, theo bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình ấn hành năm 1894, đến cuối thế kỷ 19, “lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Bản đồ Đại Thanh đế quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc, Tuyên Đức…).
"Đại Thanh nhất thống toàn đồ"
Đại Thanh nhất thống toàn đồ. |
Theo Đại thanh nhất thống toàn đồ đang được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Australia là tập bản đồ thể hiện đầy đủ nhất toàn cảnh và các địa phương của Trung Quốc thời cận đại. Toàn đồ gồm 21 phần.
Phần 1 Đại Thanh nhất thống toàn đồ là bản đồ tổng quát nước Trung Hoa thời nhà Thanh, tính từ Bắc chí Nam, ngoài biển có các đảo như sau:
Phượng Mã đảo: phía nam nước Triều Tiên
Đại Lưu Cầu, Tiểu Lưu Cầu: phía đông tỉnh Chiết Giang
Đài Loan: phía đông tỉnh Phúc Kiến
Quỳnh Châu, Nhai Châu: tức phủ Quỳnh Châu và Châu Nhai thuộc đảo Hải Nam, nằm phía nam lục địa tỉnh Quảng Đông.
Phần 12: Quảng Đông toàn đồ thuộc Bộ Đại Thanh nhất thống toàn đồ. |
Trong phần 12: Quảng Đông toàn đồ (bản đồ tỉnh Quảng Đông) thể hiện phần tiếp giáp phía nam lục địa Quảng Đông là đảo Hải Nam và vài đảo kế cận xung quanh, ngoài ra phía nam đảo Hải Nam không còn đảo nào khác.
Hầu hết các địa danh nêu trên bản đồ đều được đề cập trong Thanh sử cảo. Đây là bộ chính sử Trung Quốc bắt đầu biên soạn từ thời Dân Quốc năm 1914, trải qua 10 năm mới hoàn thành. Nội dung hai công trình gắn bó với nhau.
Các tác giả của Quảng Đông toàn đồ và Thanh sử cảo không hề thể hiện trên bản đồ và tất nhiên không có lời nào, dòng nào mô tả về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3 tập Atlas của Trung Quốc không thể hiện chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa
Trong thời gian gần đây, các nhà sưu tầm phát hiện 3 tập atlas do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây đều không thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là:
Atlas of the Chinese Empire – Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908, bằng tiếng Anh. Atlas này gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc. Đây là atlas chính thức, được in lần đầu tại Trung Quốc với số lượng in giới hạn, do The China Inland Mission, có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc), London (Anh), Philadelphia (Hoa Kỳ), Toronto (Canada) và Melbourne (Úc), biên soạn và phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và sự trợ giúp kỹ thuật của một người Anh tên là Edward Stanford.
Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China, do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Atlas được in bằng 3 thứ tiếng: Trung – Anh – Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 46 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc, đều có kích thước là 61 x 71cm.
Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ - Postal Atlas of China, cũng do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1933. Atlas được in bằng 3 thứ tiếng: Trung – Anh – Pháp, gồm 1 bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 29 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc, bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ. Các bản đồ đều có kích thước là 61 x 71cm.
Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề đả động gì đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1906 và sau này chính quyền Trung Hoa Dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1919 và 1933, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc.