Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng được ghi nhận trong lịch sử phương chí Trung Hoa
"Phương chí" nghĩa là “chép rõ về một nơi”, là thuật ngữ để gọi chung cho loại sách địa lý đặc thù của Trung Quốc, trong đó gồm các loại: tổng chí (chép về cả nước), thông chí (chép về một tỉnh) và địa phương chí (chép về phủ, châu, huyện...). Đây là loại sách lịch sử - địa lý quan trọng hàng đầu trong kho tàng văn hiến Trung Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, các loại phương chí chép rất tỉ mỉ về đơn vị hành chính cực nam của Trung Quốc.
Dựa vào tư liệu của Phạm Hồng Quân: "Tây Sa và Nam Sa chưa từng được ghi nhận trong lịch sử phương chí Trung Hoa", (Tuổi trẻ Chủ nhật, thứ Hai ngày 25/10/2010), PGS.TS Trương Minh Dục đã biên soạn, tập hợp, hệ thống lại các loại phương chí của Trung Quốc và xuất bản trong cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015).
Qua đó cho thấy không có ghi nhận nào thể hiện sự quản lý hành chính của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Sau đây là những tổng chí, thông chí, địa phương chí cổ của Trung Quốc thể hiện đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc, được thống kê, tập hợp lại trong cuốn “Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài”.
Tổng chí của Trung Quốc
“Nguyên Hòa quận huyện đồ chí"
“Nguyên Hòa quận huyện đồ chí” là tổng chí khá hoàn chỉnh đầu tiên được biên soạn vào đời Đường Hiến Tông, do đại học sĩ giám tu quốc sử Lý Cát Phủ làm xong năm Nguyên Hòa thứ 8 (năm 813).
Bộ tổng chí được liệt vào hạng xưa nhất này gồm 40 quyển (nay chỉ còn 34 quyển), phản ánh cơ cấu hành chính 10 đạo đã thiết lập năm 639 và ghi chép thực trạng 47 trấn đương thời, phân cấp đến phủ, châu, huyện và một số hương lớn.
Phần viết về vùng đất cuối cùng phía biển nam nằm trong số quyển đã mất. Vài học giả đời Thanh đã tham khảo các tài liệu cùng thời để viết thêm bộ “Nguyên Hòa quận huyện bổ chí". Bộ này cho thấy tỉnh/đảo Hải Nam ngày nay vào đời Đường là bốn châu Nhai, Đam, Vạn An và Chấn, thuộc đạo Lĩnh Nam, ở phía cực nam là hai huyện Ninh Viễn và Lâm Xuyên thuộc châu Chấn (nay là huyện Nhai, Hải Nam).
“Nguyên Phong cửu vực chí”
“Nguyên Phong cửu vực chí” thời Tống làm xong năm Nguyên Phong thứ 3 (1080), do Nghị lang đồng tu quốc sử quán Vương Tồn nhận sắc chỉ biên soạn. Sách này cho thấy đơn vị hành chính cực nam là huyện/trấn Mại Viễn thuộc quận Chu Nhai, châu Nhai, lộ Tây Quảng Nam (nay là huyện Nhai, Hải Nam).
“Đại Minh nhất thống chí”
“Đại Minh nhất thống chí” là tên do Chu Kỳ Trấn (Anh Tông) đặt cho bộ tổng chí có tên gốc là “Thiên hạ nhất thống chí”, do thượng thư bộ lại, đại học sĩ Lý Hiền làm tổng tài (chủ biên), làm xong năm 1461, gồm 91 quyển.
Quyển đầu của bộ tổng chí này có 16 bức địa đồ (1 bức toàn quốc, 1 bức Bắc Kinh, 1 bức Nam Kinh và 13 bức của 13 Ty Bố chánh). Bức địa đồ toàn quốc mang tên “Thiên hạ nhất thống chi đồ” và địa đồ Ty Bố chánh Quảng Đông với tên “Quảng Đông địa lý chi đồ” đều cho thấy cực nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến hết phủ Quỳnh Châu.
Ghi chép về phủ Quỳnh Châu ở quyển 82 cho thấy sự nhất quán với cương giới mà phần địa đồ mô tả, cực nam dừng ở địa phận châu Nhai. Các mục “Kiến trí diên cách” (Dựng đặt dời đổi), “Hình thắng” (Địa hình/Cảnh quan) và “Sơn xuyên” (Núi sông) không ghi chép gì về phía biển nam.
“Đại Thanh nhất thống chí”
Tổng chí đời Thanh có ba bộ, soạn lần đầu với tên “Đại Thanh nhất thống chí” (342 quyển, làm xong năm 1743).
Lần hai với tên “Khâm định Đại Thanh nhất thống chí” do đại học sĩ Hòa Thân nhận sắc soạn thêm (gồm 424 quyển, làm xong năm 1784).
Lần ba với tên “Gia Khánh trùng tu Đại Thanh nhất thống chí” do Hàn lâm viện biên tu Lý Tá Hiền soạn thêm theo sắc chỉ của vua Gia Khánh (650 quyển, làm xong năm 1842).
“Khâm định Đại Thanh nhất thống chí” chép về cương giới phía nam cũng chỉ đến châu Nhai, thuộc phủ Quỳnh Châu như địa đồ “Quảng Đông toàn đồ” ở tờ 2, quyển 350 minh họa.
Quảng Đông toàn đồ. |
Mặt khác, có một chi tiết giúp xác định vùng Thất Châu Dương mà mấy chục năm nay học giả Trung Quốc cứ cho rằng nó là Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Ở quyển 350, mục “Sơn xuyên”, tờ 11 có đoạn: (dịch) “Thất Tinh sơn ở phía bắc huyện Văn Xương, Minh nhất thống chí viết rằng núi này có bảy ngọn, còn có tên là Thất Châu Dương sơn, thông chí Quảng Đông viết là nó cách huyện lỵ Văn Xương về phía bắc 150 dặm (khoảng 75km), ở ngoài biển khơi...”.
Ghi chép này cho thấy nó kế thừa tổng chí đời Minh và tiếp thu kết quả khảo sát của thông chí địa phương, đồng xác định Thất Châu Dương tương ứng với Thất Châu liệt đảo ở khoảng vĩ độ 20, phía đông tỉnh Hải Nam ngày nay, mà không phải là Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông chí của Trung Quốc
Thông chí liên quan trực tiếp đến vùng biển phía nam Trung Hoa là các bộ thông chí tỉnh Quảng Đông, trước sau có năm bộ, đều do các quan chức cấp cao ở tỉnh chủ trì biên soạn. Sớm nhất là “Quảng Đông thông chí” của Đới Cảnh thời Minh, làm xong năm 1535, kế đến là bộ do Hoàng Tá chủ biên, 72 quyển, làm xong năm 1602.
Đời Thanh gồm ba bộ của Kim Quang Tổ (1675); Hách Ngọc Lân, 64 quyển (1731); Nguyễn Nguyên, 334 quyển (1882). Trong “Quảng Đông thông chí” của Hách Ngọc Lân, “Quảng Đông toàn tỉnh tổng đồ” ở quyển 3, trang 3 cho thấy về cương vực, tức phạm vi quản lý hành chính của chính quyền cấp tỉnh, dừng ở phủ Quỳnh Châu.
"Quảng Đông toàn tỉnh tổng đồ" trong “Quảng Đông thông chí” của Hách Ngọc Lân. |
Địa đồ “Quỳnh Châu phủ toàn đồ” ở quyển 3, trang 22 lại có dòng chú thích “Quỳnh, bốn mặt là biển, không khảo được tám nơi tiếp giáp”.
Địa đổ “Quỳnh Châu phủ toàn đồ” trong “Quảng Đông thông chí” của Nguyễn Nguyên. |
Trong “Quảng Đông thông chí” của Nguyễn Nguyên, “Quảng Đông dư địa tổng đồ” được vẽ theo kỹ thuật phương Tây, phân hệ thống kinh vĩ, giới hạn về phía nam chỉ thấy đến khoảng 18,5 độ vĩ bắc.
Địa phương chí của Trung Quốc
Địa phương chí cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến vùng biển nam Trung Hoa là các phủ chí Quỳnh Châu, theo bộ “Quỳnh Châu phủ chí”, biên soạn sau cùng trong đời Thanh (1891), có tính kế thừa và bổ sung hoàn thiện từ bốn bộ trước đó.
Các ghi chép về phạm vi cương giới cho thấy tương đồng với tổng chí và thông chí đã đề cập, sách này cũng dẫn lời quận thú (quận trưởng) Tiêu Ứng Thực viết trong phủ chí năm 1774 về các nơi tiếp giáp, quyển 3, phần Dư địa chí, mục Cương vực chép: “Quỳnh Châu là nơi giữa biển, nam là Chiêm Thành; tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường; bắc tiếp giáp huyện Từ Văn, phủ Lôi Châu”.
Trong nguyên tác của đoạn văn này, cách dùng chữ đối với hai trường hợp tiếp giáp cho thấy có sự phân biệt rõ ràng, các nơi ngoài Trung Quốc dùng chữ “tắc” (nghĩa “là”), còn nơi thuộc Trung Quốc thì dùng chữ “tiếp” (nghĩa “tiếp giáp, tiếp cận”), điều này cho thấy chính quyền nhà Thanh tuy biết có nơi là Thiên Lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường nhưng những nơi đó không thuộc sự quản lý hành chính của chính quyền đương thời.