Hoảng hốt với số lượng 928 doanh nghiệp được nhập khẩu phế liệu
Vì một số ngành cần nguyên liệu để sản xuất nên chúng ta cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất đó. Các nước phát triển trên thế giới cũng làm điều này từ trước chúng ta rất nhiều. Và, việc làm trên là đúng. Thế nhưng, kiểm soát việc nhập phế liệu, hay còn gọi là rác này như thế nào thì phải thừa nhận, chúng ta làm chưa tốt, hay nói đúng hơn là chưa kiểm soát được. Báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan thể hiện, tính hết tháng 5/2018, cả nước nhập khẩu hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu. Ngoài ra, một số phế liệu khác cũng được nhập khẩu về Việt Nam như: Tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô, giấy...
Phế liệu chất đống ở làng nghề. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Tổng cục Hải quan cũng cung cấp thêm thông tin: Bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, thì không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu trên VOV.vn: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai kế hoạch kiểm soát hàng phế liệu. Có khoảng 3.000 container trên tất cả các cảng biển. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Tổng Cục cảnh sát tiến hành khởi tố, điều tra sâu vì việc làm giả giấy phép là cấu thành đủ tội danh là kinh doanh hàng cấm rồi, theo Bộ Luật hình sự có hiệu lực thi hành 1/1/2018. Cố gắng trong quý II sẽ phong tỏa mấy nghìn container này và kiến nghị về chính sách đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Nói là làm, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Chính phủ vấn đề trên và Chính phủ đã vừa đưa ra thông báo yêu cầu 4 bộ ngành là Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Giao thông - Vận tải khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam khiến nguy cơ phế liệu sẽ nhập ồ ạt vào nước ta.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Long phân tích: “Con số 928 được nhập khẩu phế liệu là nhiều. Quá nhiều. Bởi ngành đặc thù cần nguyên liệu sản xuất không nhiều. Và chính những ngành đó, doanh nghiệp đó lại ít nhập mà đi mua lại của doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này khiến Việt Nam thành túi rác của thế giới, nếu chúng ta không siết chặt, kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu này.”
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Trong phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 5/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trình bày: Việc nói không với nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng. Bối cảnh hiện nay Việt Nam không đủ năng lực công nghệ xử lý chất thải thì việc nói không với nhập khẩu phế liệu, chất thải là cần thiết. Về tổng thể, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu, chất thải".
Như vậy, phế liệu liên quan đến môi trường, các Tư lệnh ngành không phải không biết. Họ cũng khẳng định phải rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu, chất thải rắn… Song, rà soát, kiểm soát đến đâu, như thế nào mới là vấn đề dư luận quan tâm.
Trước đó, năm 2017, Tổng cục Hải quan cũng đã thống kê và đưa ra con số: 3 tháng qua cả nước đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép phế liệu, trị giá hơn 276 triệu USD, trung bình 6 triệu đồng/tấn. Lượng nhập trung bình là hơn 11.000 tấn/ngày, cao hơn 1.000 tấn so với lượng nhập trung bình của cả năm 2016.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, thị trường tiềm năng cung cấp sắt thép phế liệu cho các nhà nhập khẩu của chúng ta là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các cửa khẩu nhập là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và một phần được chuyển bằng đường sắt qua Lào Cai và Lạng Sơn.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh VOV.
Trong quy định của Bộ Tài Nguyên & Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (bao gồm sắt thép phế liệu), các doanh nghiệp phải ký quỹ tới 20% giá trị lô hàng để đảm bảo mặt hàng nhập khẩu nếu xảy ra tác động đến môi trường sẽ lấy kinh phí xử lý và ứng phó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí có nhà xưởng, kho bãi chuyên dụng, có mái che, xử lý thoát nước... mới được nhập khẩu.
Thực tế, các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu của chúng ta hiện nay như thế nào? Chỉ có đơn vị cấp phép mới trả lời được câu hỏi này. Vì sao họ vẫn làm giả được giấy tờ, không ký quỹ, không có kho bãi vẫn được nhập khẩu? Vì thế siết chặt hoạt động này để Việt Nam không thành bãi rác của thế giới trong tương lai gần là cần thiết.
N.Hòa