Họa sĩ Gonzalez: Lan tỏa tình yêu Việt Nam trên quê hương Chile
Họa sĩ Gonzalez, bằng những gam màu tươi sáng, nét vẽ khỏe khoắn, phóng khoáng, giàu sức sống, đã khắc họa sinh động tình hữu nghị sâu đậm giữa Việt Nam và Chile.
Bức tranh có chiều dài 10m, cao 2,3m được đặt tiếp nối bức tranh về anh hùng Simon Bolivar (Venezuela) tại nút giao giữa đường đê Âu Cơ và Xuân Diệu, đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Nhân dịp khánh thành tác phẩm độc đáo này, tác giả, họa sĩ Chile Alejandro Mono Gonzalez cũng có mặt tại Hà Nội, theo lời mời của đại sứ quán Chile tại Việt Nam.
Cận cảnh bức tranh về tình hữu nghị Việt Nam-Chile
Ông đã có những chia sẻ rất ý nghĩa xung quanh tác phẩm của mình với phóng viên Thời đại:
- Là một họa sĩ nổi tiếng với tác phẩm hiện diện ở nhiều quốc gia lớn như Cuba, Canada, Pháp, Italia, Hà Lan, Trung Quốc, điều gì đã khiến tác giả chọn Việt Nam là điểm đến cho sáng tạo nghệ thuật của mình?
Vào những năm 60 của thế kỉ trước, giống như rất nhiều thanh niên Chile ở lứa tuổi 20, tôi là một thành viên tích cực trong phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Đỉnh điểm của phong trào này là cuộc tuần hành kêu gọi chấm dứt chiến tranh vào năm 1968, có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất trong giai đoạn đó. Chúng tôi đã xuống đường để thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân Chile với nhân dân Việt Nam, kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Chính trong những năm đó, cùng với nhiều quốc gia châu Mỹ La-tinh khác như Venezuela, Cuba, tại Chile đã hình thành nên lực lượng văn nghệ sĩ phản chiến. Họ chính là những lữ đoàn xung kích, đóng góp tiếng nói đấu tranh vì hòa bình, tự do, độc lập cho Việt Nam qua những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Là một thành viên trong hàng ngũ này, nguồn cảm hứng sáng tác về Việt Nam của tôi đã được khơi nguồn ngay từ những năm tháng đó. Từ nhiều năm nay, tôi vẫn luôn mơ về một ngày được đặt chân tới Việt Nam, đất nước anh hùng với bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Và giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực khi được lựa chọn tham gia vào dự án nghệ thuật hữu nghị của chính phủ Chile và Đại sứ quán Chile tại Việt Nam nhân kỉ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Chile (1971-2016).
- Đây có phải là lần đầu tiên ông đến Việt Nam không? Và Việt Nam đã để lại những ấn tượng gì đối với ông?
Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đến thăm đất nước của các bạn, sau rất nhiều năm mong đợi.
Cảm xúc đầu tiên của tôi khi đặt chân tới thủ đô Hà Nội chính là vô cùng bất ngờ và thán phục trước sự hồi sinh và chuyển mình mạnh mẽ của một đất nước nhỏ bé từng chịu tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Tôi hết sức ấn tượng và khâm phục những gì các bạn đã làm, để xây dựng lên một đất nước phát triển, hiện đại như ngày nay.
Họa sỹ Mono Gonzalez (phải) tặng họa sỹ Thu Thủy (người thực hiện ý tưởng bức vẽ) cuốn sách in các tác phẩm tranh của ông
- Họa sĩ muốn gửi tới người xem thông điệp gì qua tác phẩm của mình?
Tôi nghĩ, văn hóa chính là cầu nối quan trọng đưa những con người, thậm chí sống cách xa nửa vòng trái đất xích lại gần nhau. Với tinh thần này, tôi đã dùng những nét vẽ của mình để hình tượng hóa một cách sinh động tình hữu nghị lâu đời giữa Chile, Việt Nam nói riêng cũng như giữa các nước Mỹ La-tinh với Việt Nam nói chung. Tất cả những hình ảnh trong bức tranh đều tập trung thể hiện tình cảm tốt đẹp và thiêng liêng này.
- Bên cạnh sự song hành của quốc kỳ hai nước thể hiện sự gắn bó, đoàn kết, thì ý nghĩa của những hình ảnh xuyên suốt trong bức vẽ như "bàn tay" và "lá cây” là gì, thưa họa sĩ?
Chủ thể sáng tác của tôi là con người, bởi với tôi, con người có thể sáng tạo ra tất cả.
“Bàn tay” là biểu tượng của sự lao động, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần, và đồng thời thu hoạch, gặt hái những thành quả từ sức lao động đó.
Sở dĩ tôi đưa vào hình tượng lá cây, là bởi nó hiện thân cho sức sống vô tận, bất diệt. Màu xanh cây lá cũng giống như những gì tôi được biết và được chứng kiến về sự phục hồi kì diệu của Việt Nam sau chiến tranh. Ở nơi đây, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt và tàn khốc, sự sống vẫn không ngừng sinh sôi, tiếp nối.
- Ngắm nhìn tác phẩm của mình hiện diện giữa lòng thủ đô Hà Nội, trên chất liệu gốm sứ truyền thống của Việt Nam, họa sĩ có cảm nghĩ như thế nào?
Tôi vô cùng hạnh phúc và vinh dự khi được có mặt tại đây và chứng kiến tác phẩm của mình được khánh thành tại Hà Nội đúng vào ngày kỷ niệm quốc khánh Chile (18/9).
Bên cạnh đó, tôi cũng rất hài lòng và mong muốn bày tỏ lời cảm ơn cũng như đánh giá cao nỗ lực của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng ê-kíp của cô. Họ đã nắm bắt và thể hiện ý tưởng của tôi một cách trọn vẹn, hoàn hảo.
Về chất liệu gốm sứ Việt Nam, tôi nhận thấy, một trong những ưu điểm nổi trội của nó là độ bền vững, khả năng chống chịu tốt với nhiều điều kiện thời tiết. Bởi vậy, mà chúng tôi rất hi vọng, bức vẽ này sẽ bền vững cùng thời gian, như sự trường tồn của tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam, Chile.
Họa sĩ Gonzalez sáng tác tranh
- Vậy trong thời gian tới, họa sĩ có dự gì để góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam và Chile?
Những gì tôi mang theo về quê hương Chile sau chuyến đi này sẽ là những câu chuyện kể, những điều mắt thấy tai nghe về một Việt Nam hôm nay. Người dân Chile chúng tôi rất yêu mến Việt Nam, song do khoảng cách địa lý nên chúng tôi chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận và thực sự hiểu về các bạn.
Bởi vậy, sau khi trở về quê nhà, tôi nhất định sẽ chia sẻ với những bạn bè trong giới văn nghệ sĩ, cũng như những người dân trên đất nước tôi về sự đổi mới, phát triển của đất nước Việt Nam trong thời hiện đại, về con người Việt Nam thân thiện, mến khách, và tài hoa.
Tôi hi vọng rằng, qua đó, tôi có thể góp phần lan tỏa và khắc sâu tình yêu Việt Nam trong lòng những người dân Chile.
Phi Yến