Hoa Kỳ tài trợ nghiên cứu dùng cỏ Vetiver phục hồi đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa
PEER là một chương trình của Mỹ nhằm tài trợ nghiên cứu khoa học tại các nước đang phát triển. Chương trình do USAID tài trợ phối hợp với một số cơ quan khác của chính phủ Mỹ và do Viện Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) quản lý. Thông qua USAID, Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ nhiều dự án cải thiện sức khỏe con người và giải quyết các thách thức môi trường.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius công bố khoản tài trợ cho dự án nghiên cứu của TS Ngô Thị Thúy Hường
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức hội thảo Cộng đồng Nghiên cứu Việt Nam - sự kiện tập hợp các nhà nghiên cứu, sáng tạo và những người làm chính sách với trọng tâm là sử dụng khoa học tiên tiến để cải thiện sức khỏe con người và giải quyết các thách thức môi trường.
Tại hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã công bố một khoản tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Quan hệ đối tác thúc đẩy tham gia nghiên cứu (PEER) cho TS Ngô Thị Thúy Hường và nhóm nghiên cứu, nhằm thực hiện dự án nghiên cứu giải pháp sáng tạo ứng dụng cỏ vetiver trong phục hồi đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Phương pháp sử dụng cây xanh để xử lý đất ô nhiễm đã được gia đình Hoàng gia Thái Lan sử dụng tại nước này.
Đại sứ Mỹ cho biết thêm, việc xử lý dioxin đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Mỹ và ông tin tưởng rằng các nhà khoa học giỏi nhất của cả hai nước sẽ có thể phối hợp trong dự án án này.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến Sĩ Ngô Thị Thúy Hường cho biết dự án nghiên cứu khả năng giảm nhẹ ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin của cỏ Vetiver áp dụng thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa đã được thực hiện trong 2 năm từ 2014-2016. Đây là dự án cấp Bộ, được tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án đã đạt được kết quả khả quan và có nhiều triển vọng khi bước đầu có thể chứng minh được cỏ vetiver có khả năng chống lan tỏa dioxin ra vùng đất xung quanh, làm giảm nhẹ ô nhiễm dioxin trong các vùng đất do hậu quả chiến tranh để lại.
Tiến Sĩ Ngô Thị Thúy Hường chia sẻ về dự án
Với sự tài trợ của PEER, Tiến sĩ Thúy Hường cho biết bà sẽ cùng nhóm của mình tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cơ chế cỏ vetiver đã xử lý ô nhiễm dioxin trong đất bằng cách nào, như thế nào và bản thân cây cỏ này đóng vai trò gì cũng như sự hỗ trợ, kết hợp của hệ vi sinh vật trong vùng quyển rễ sẽ có vai trò gì trong quá trình xử lý ô nhiễm dioxin trong thời gian 3 năm tới.
Cỏ Vetiver có thể thích nghi với đất có độ chua, độ mặn, độ phèn cao. Cỏ có bộ rễ lớn nhưng các sợi rễ lại rất nhỏ và mịn (đường kính trung bình chỉ khoảng 0,5-1,0mm) rất thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm, là điều kiện cần thiết để hấp thụ và phân hủy các chất gây ô nhiễm.Cỏ Vetiver có thể được ứng dụng trong nhiều mục đích như: chống sạt lở các công trình giao thông, xây dựng; giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng..., đặc biệt là cỏ Vetiver được sử dụng trong việc xử lý ô nhiễm đất, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường. |
Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Mỹ và Việt Nam
Ngoài ra, hội thảo còn tập trung thảo luận vào một số vấn đề: Giới thiệu các cơ hội tham gia các sáng kiến nghiên cứu tại Việt Nam; Giới thiệu kết quả các dự án nghiên cứu đang triển khai và đã hoàn thành; Mở rộng mạng lưới cộng đồng những người làm nghiên cứu; Tăng cường vai trò của bằng chứng khoa học trong xây dựng và thực hiện chính sách công.
Tại hội thảo, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Thông qua quan hệ hợp tác này, các nhóm nghiên cứu đã được thành lập bao gồm các nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ và Việt Nam để cùng khám phá các giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện chính sách và thúc đẩy mục tiêu chung về phát triển bền vững của cả hai nước.
Các nhà khoa học Hoa Kỳ giới thiệu các dự án đã thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác của USAID
Trong khuôn khổ hội thảo, 3 nhà nghiên cứu đã trình bày về các dự án nghiên cứu khoa học giúp giải quyết các thách thức phát triển cấp thiết, gồm: “Chống mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã bằng khoa học DNA” (TS Lê Minh - ĐH Quốc gia Hà Nội); “Gắn khoa học với chính sách để quản lý nước bền vững và giảm nhẹ thiên tai” (TS Bùi Du Dương - Bộ TNMT); “Thúc đẩy nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và sức khỏe con người” (Bà Julia Rubin - ĐH California Berkeley, Hoa Kỳ).
Ngoài ra, các nhà khoa học, kỹ sư và những người từng tham gia các chương trình của USAID cũng đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu của mình trong phần trình bày áp-phích, với những chủ đề từ quản lý thủy sản và năng lượng tái tạo đến nghiên cứu dịch bệnh truyền nhiễm.
Trả lời báo chí, Đại sứ Ted Osius cho biết: "USAID đã hỗ trợ các dự án trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Về giáo dục, Hoa Kỳ đã có thêm lựa chọn về giáo dục đại học cho người Việt Nam giúp cho nhiều học sinh học tập theo cách sáng tạo hơn. Về y tế, 15 năm qua, hai nước đã hợp tác với mục đích giúp Việt Nam sớm ngăn chặn thành công các bệnh dịch lớn với tổng số tiền cho các dự án y tế là hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra, còn có các vấn đề về môi trường như mực nước biển dâng cao, biến đổi khí hậu, nông nghiệp…".
Thùy Linh