Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Châu Âu
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo ba địa phương, Giám đốc EuroCham - bà Delphine Rousselet và đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư Châu Âu.
Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu khái quát đặc điểm, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của địa phương mình nói riêng, lợi thế của chuỗi liên kết Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nói chung. Về phía cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm, đặt nhiều câu hỏi về các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhất là những chính sách dành riêng cho doanh nghiệp startup; về chính sách gia tăng thời gian thị thực đối với các nước châu Âu; về định hướng đầu tư xanh, bền vững của các địa phương…
EuroCham và Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế trao đổi thông tin về định hướng hợp tác đầu tư, thương mại các địa phương với doanh nghiệp châu Âu |
Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết: Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. “Thừa Thiên Huế không phải phát triển bằng mọi cách, chúng tôi có thể không nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà máy lớn với ống khói to, mà chúng tôi phát triển xanh, bền vững. Và Trung ương cũng đồng ý với chủ trương này của Thừa Thiên Huế”, ông Phương nói và mong muốn các doanh nghiệp Châu Âu sẽ quan tâm, đầu tư những dự án xanh, phát triển bền vững tại địa phương và đưa ra một số đề xuất về phát triển xanh gửi đến các nhà đầu tư châu Âu.
Tại TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND Hồ Kỳ Minh cho biết, Châu Âu đã và đang là đối tác quan trọng về đầu tư và thương mại của thành phố, là một trong những thị trường trọng điểm mà thành phố tập trung kêu gọi đầu tư.
Tính đến hết quý II/2022, có khoảng 140 dự án FDI của các nước khu vực châu Âu tại Đà Nẵng, với tống số vốn đầu tư gần 480 triệu USD. Riêng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có 92 dự án với tổng vốn đầu tư 99 triệu USD. Trong đó, Pháp là quốc gia có số lượng dự án lớn nhất với 36 dự án, tiếp theo là Đức với 11 dự án, Ý với 8 dự án và Tây Ban Nha với 7 dự án. Các dự án chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực: dịch vụ ăn uống (nhà hàng, sản xuất thực phẩm), giáo dục, dịch vụ tư vấn, sản xuất phần mềm, khách sạn, linh kiện điện tử (ô-tô, máy tính...).
Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Đà Nẵng, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả châu Âu với thành phố; các nước Châu Âu khác chiếm trên 10%. Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam EVFTA có hiệu lực là nền tảng và đòn bẩy để Đà Nẵng và các đối tác EU thúc đẩy hợp tác thương mại, gia tăng kim ngạch xuất nhập khấu trong thời gian đến.
Tại tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã có 38 dự án của các doanh nghiệp Châu Âu, với tổng vốn đầu tư 395 triệu USD. Đa số các nhà đầu tư châu Âu đầu tư tại tỉnh đúng theo định hướng: Xanh - sạch - bảo vệ môi trường.
Hiện tỉnh Quảng Nam đang kêu gọi thu hút doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào các khu công nghiệp. “Tỉnh Quảng Nam đang chú trọng vào khu công nghiệp sinh thái. Quảng Nam đang hình thành tiêu chí khu công nghiệp sinh thái”, Bên cạnh đó, Quảng Nam chú trọng phát triển công nghiệp dược liệu để khai thác thế mạnh vùng trồng sâm Ngọc Linh; phát triển công nghiệp cơ khí. Quảng Nam cũng quan tâm đến phát triển logistics; mong muốn thu hút đầu tư một khu công nghiệp, hoặc một khu kinh tế mới. “Quảng Nam đang có lợi thế về quỹ đất, chính sách giá đất tốt, lao động trẻ, có nhiều dư địa về logistics, giao thông… tỉnh mong muốn sẽ đón nhiều nhà đầu tư châu Âu đến tìm hiểu và hợp tác, đầu tư tại Quảng Nam”, ông Bửu bày tỏ.
Bà Delphine Rousselet - Giám đốc EuroCham tại Việt Nam cho biết, EuroCham hoàn toàn đồng tình và sẽ đồng hành với các mục tiêu mà các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã đặt ra, khu vực được xem là trọng điểm của hành lang kinh tế Đông Tây. Cũng theo đại diện EuroCham, nhiều doanh nghiệp châu Âu bày tỏ quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“EuroCham hoan nghênh việc phát triển hài hoà giữa kinh tế - văn hoá và xã hội, bảo vệ môi trường của các địa phương. Hơn bao giờ hết việc phát triển kinh tế chỉ có thể bền vững nếu đó là phát triển xanh”, bà Delphine Rousselet chia sẻ.