Hỗ trợ người khuyết tật thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn nước
Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị ảnh hưởng bởi nặng nề từ biến đổi khí hậu
Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho biết: Biến đổi khí hậu đang có tác động lớn nhất tới những người nghèo nhất thế giới và những người dễ bị tổn thương nhất. Trong nhóm này, 20% là người khuyết tật, những người gần như luôn bị thiệt thòi gấp đôi. Chủ đề “Khuyết tật và Biến đổi khí hậu” có ý nghĩa rất lớn đối với người khuyết tật tham gia dự án.
“Đó là về an ninh lương thực, nước uống và nơi ở cho người khuyết tật và gia đình của họ. Đó là về quyền tiếp cận y tế, giáo dục và cơ hội sinh kế trong môi trường thay đổi. Đó là về hy vọng và sự đổi mới. Đó là về việc đảm bảo người khuyết tật là trung tâm trong việc tìm cách tạo ra nhận thức, sự hiểu biết và giải pháp.Việc phát triển chính sách và can thiệp ở tất cả các cấp cần phải giải quyết các vấn đề cụ thể hoàn cảnh của người khuyết tật liên quan đến biến đổi khí hậu, cùng nhau với những người trong gia đình họ”, bà Đỗ Thị Huyền cho biết.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Phạm Lý |
Phụ nữ và trẻ em gái thường là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thường phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thậm chí bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Tại Việt Nam, một nước với tỷ lệ làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm phần lớn, phụ nữ thường tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động hàng ngày khác mà phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và nguồn tài nguyên như kiếm củi để nấu ăn, lấy nước.
“Do vậy, khi các nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, khối lượng công việc của người phụ nữ tăng nhiều hơn. Khi công việc này chiếm nhiều thời gian hơn, phụ nữ và trẻ em gái có ít thời gian hơn cho việc giáo dục, giải trí và tham gia vào việc ra quyết định và áp lực tâm lý họ gặp phải qua đó cũng tăng lên. Vai trò chủ động của phụ nữ và trẻ em gái trong hành động biến đổi thời tiết là một phần quan trọng của công bằng khí hậu”, bà Đỗ Thị Huyền nhận xét.
Đại diện hội người khiếm thính đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Phạm Lý |
Cùng nhau tìm ra cách đảm bảo người khuyết tật hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Đại sứ quán Úc, Đại học Monash (Úc), Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Hội người mù Việt Nam, ACDC, UNDP… cũng đã tham gia chia sẻ, thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu và an ninh nước đối với hòa nhập của người khuyết tật tại Việt Nam; Lồng ghép vấn đề người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Ứng phó với biến đổi khí hậu từ phía các tổ chức vì người khuyết tật; Đề xuất lồng ghép vấn đề người khuyết tật trong biến đổi khí hậu và an ninh nước; Hòa nhập người khuyết tật trong phòng chống thiên tai: Từ chính sách tới thực tế…
Ông Michael Simon, Trưởng Chương trình quốc tế, Tổ chức Thành phố nhạy cảm Nước của Úc (WSCA) cho biết, người khuyết tật có nhiều điểm dễ bị tổn thương trong thời điểm xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và kéo dài; và trong bối cảnh khí hậu ngày càng nóng và ẩm ướt hơn.
"Chúng tôi biết những sự kiện này đang trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Và như vậy, tính dễ bị tổn thương có thể được nâng cao. Tính dễ bị tổn thương đó cũng có khía cạnh giới tính - nơi chúng ta biết rằng trên toàn cầu, phụ nữ khuyết tật phải chịu áp lực lớn hơn trong xã hội, và thậm chí cả trong gia đình, đồng thời dễ bị bạo lực và vi phạm quyền của họ hơn.
Ông Michael Simon nhận thấy rằng người khuyết tật và mạng lưới người chăm sóc/hỗ trợ của họ có kinh nghiệm sống quan trọng để đưa vào các cuộc thảo luận về chính sách và thực tiễn. Người khuyết tật không chỉ là những người dễ bị tổn thương, họ cũng là những tác nhân quan trọng tạo nên sự thay đổi. Quá trình nghiên cứu của chúng tôi với Hội người Khuyết tật Hà Nội nhằm mục đích giúp ghi lại những trải nghiệm - cũng như ý tưởng, nhu cầu và mong muốn - của người khuyết tật.
Trưởng Chương trình quốc tế tổ chức WSCA mong muốn được tham gia hội thảo phát hiện này để chia sẻ phân tích ban đầu và cùng xem xét các lựa chọn chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật để trở thành thành viên tích cực trong xã hội ngay cả khi tình trạng biến đổi khí hậu và tình trạng mất an ninh nguồn nước trở nên cực đoan hơn.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại hội thảo. Ảnh: Phạm Lý |
TS. Laura Beckwith, tổ chức Đối tác về nước của Úc (AWP) cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào sự trao đổi kiến thức hai chiều, trong đó chúng ta học hỏi từ những thành công và khó khăn của nhau để giải quyết tốt hơn những thách thức hiện tại cũng như các vấn đề mới nổi liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái, nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu sẽ là những cộng đồng vốn đang gặp bất lợi, bao gồm cả người khuyết tật”.
Do đó, AWP hỗ trợ chương trình nghiên cứu quan trọng này về việc người khuyết tật bị ảnh hưởng cũng như ứng phó và phục hồi như thế nào với biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi rất mong được học hỏi kinh nghiệm của các bạn để có thể cùng nhau tìm ra cách đảm bảo người khuyết tật hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn", TS. Laura chia sẻ.
.