Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Thông tư, để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, ngân sách nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.
Hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề |
Điều 5 Thông tư nêu rõ, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 01 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác.
Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề.
Ngoài ra, Thông tư 15 còn quy định một số chính sách khác nhằm sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư những nơi cần thiết như: chính sách hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư; chính sách hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép. Mức hỗ trợ kinh phí di chuyển tính theo thực tế khi lập dự án, căn cứ quãng đường thực tế và đơn giá của loại phương tiện phổ thông tại địa phương.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép theo mức 60 triệu đồng/hộ để thực hiện các nội dung: điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất).
Đối với kinh phí xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, điện sinh hoạt, cấp nước cộng đồng và một số công trình hạ tầng thiết yếu khác bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cụ thể từng hộ dân, tối đa 3 triệu đồng/hộ...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/5/2022.