Hiệu quả thiết thực từ hợp tác đào tạo nghề Việt Nam - Lào
Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo nghề
Lưu học sinh Bounyor Vilaiysack (sinh năm 2001) quê ở huyện Palanxay, tỉnh Savannakhet, đang theo học lớp Điều dưỡng K6 Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Quảng Trị theo hình thức tự túc. “Vì yêu thích nghề điều dưỡng nên em quyết định sang Quảng Trị học. Xác định muốn học nghề tốt thì cần học tiếng Việt giỏi nên em rất chăm chỉ.
Sau khi học lý thuyết, những ngày thực hành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cũng vất vả không kém. Tuy nhiên được thầy cô nhiệt tình cầm tay chỉ việc, Bounyor Vilaiysack đã áp dụng lý thuyết vào thực hành nhuần nhuyễn.Hiện Bounyor Vilaiysack đã được Bệnh viện tỉnh Savannakhet và một số đơn vị khác của Lào mời làm việc.
Không chỉ đào tạo nghề tại Việt Nam, tại huyện Nongbok, tỉnh Khammuan, Trung Lào có ngôi trường mang tên Trung học phổ thông - Dạy nghề kiểu mẫu Hữu nghị Lào - Việt Nam. Đây là một trong những điểm sáng trong hợp tác giáo dục, đào tạo nghề Việt Nam - Lào. Ngôi trường được đầu tư với tổng kinh phí 5 triệu USD gồm khu nhà hiệu bộ, nhà học, nhà thực hành, khu ký túc xá, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; nhà ăn... Đây là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Trường có 5 ngành nghề đào tạo giúp cho học sinh cấp 3, những lao động chưa có việc làm, những trường hợp bị thiệt thòi, người lao động cần thay đổi ngành nghề, lực lượng lao động Lào ở nước ngoài phải về nước do bị ảnh hưởng của COVID-19 có thể nâng cao tay nghề nhằm tìm kiếm việc làm.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sisouk Vongvichith, trường Trung học phổ thông - Dạy nghề kiểu mẫu Hữu nghị Lào - Việt Nam là trường học đầu tiên của tỉnh Khammuan thực hiện hai giáo trình học và thực hành song song. Qua đó, giúp người dân tỉnh Khammuan và các tỉnh lân cận có cơ hội được đào tạo các nghề và kỹ năng kinh nghiệm thực tiễn để phát triển bản thân đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội Lào.
Giảng viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội hỗ trợ huấn luyện cho 2 thí sinh nghề Lắp đặt điện của Lào chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X. (Ảnh: Hải Bình) |
Không chỉ thúc đẩy hợp tác trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua, hợp tác đào tạo nghề Việt Nam - Lào phát triển mạnh trên các lĩnh vực đào tạo dài hạn cho sinh viên Lào; hỗ trợ máy móc, thiết bị đào tạo các nghề kỹ thuật thiết yếu; huấn luyện chuyên gia và thí sinh Lào tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN; đào tạo cán bộ ngắn hạn.
Trong đó, lĩnh vực về phát triển nguồn nhân lực đã cam kết hỗ trợ thiết bị đào tạo lĩnh vực công nghệ ô-tô, điện, điện tử và công nghệ thông tin; tiếp nhận đào tạo học sinh, sinh viên; huấn luyện chuyên gia và thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN; đào tạo cán bộ ngắn hạn và dài hạn... cho phía Lào.
Việt Nam cũng đã hoàn thành chuyển giao hỗ trợ thiết bị đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ ô-tô, điện, điện tử và công nghệ thông tin với Học viện Phát triển tay nghề Lào - Hàn Quốc. Các thiết bị được đưa vào giảng dạy, phục vụ đào tạo với tổng giá trị lên tới gần 4 tỷ đồng.
Những hợp tác nêu trên được các cơ quan chức năng hai nước đánh giá cao vì đáp ứng ưu tiên của hai bên, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo nghề và đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, về lâu dài, hợp tác trong lĩnh vực này vẫn còn những khó khăn từ thực tế như công tác tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng các thiết bị còn chậm, chưa bố trí được nguồn ngân sách cố định...
Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp đào tạo dạy nghề giữa Việt Nam - Lào, tháng 11/2022, “Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực” giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã chính thức được ký kết.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiya ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. (Ảnh: Thu Hà) |
Theo thỏa thuận, nội dung các lĩnh vực hợp tác gồm chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách về lao động và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác đào tạo về phát triển kỹ năng nghề, xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm phát triển kỹ năng nghề, các cơ sở đào tạo nghề; khuyến khích quản lý và hợp tác lao động dịch chuyển có tay nghề giữa hai nước.
Hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ thiết bị, xây dựng các chương trình về phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.
Đặc biệt, hai bên sẽ hợp tác đào tạo tiếng Lào và Tiếng Việt Nam cho cán bộ, giáo viên các Trung tâm dạy nghề của hai Bộ Việt Nam và Lào (từ nguồn vốn ODA của hai chính phủ Việt Nam - Lào hàng năm); hợp tác triển khai các dự án liên quan mà hai bên cùng quan tâm và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ khu vực và quốc tế.
Mục đích của Thỏa thuận nhằm cam kết cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và giáo dục nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia giáo dục, Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực được ký kết trong bối cảnh nhu cầu thị trường lao động về người có tay nghề cao ở Lào đang ngày càng gia tăng. Hiện chính phủ Lào cũng đang tập trung khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học trong nước tham gia các chương trình đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực. Chính vì vậy, thoả thuận sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo nghề theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với tiềm năng và quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước.