Hiệu quả mô hình "Nuôi ong để phát triển sinh kế bền vững" tại Thừa Thiên - Huế
Nông dân tham quan mô hình nuôi ong. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Từ tháng 4/2018, được sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh, Hội ong Thừa Thiên - Huế tiến hành thực hiện mô hình "Nuôi ong để phát triển sinh kế bền vững" cho 30 hộ dân ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mô hình hỗ trợ nuôi ong lấy mật là một trong những hoạt động xây dựng sinh kế bền vững thích ứng với sự biến đổi của môi trường của Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế làm việc với các cộng đồng nông thôn để thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện an ninh lương thực và trực tiếp đối mặt giải quyết các thách thức này tại khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam.
Mô hình đã hỗ trợ 450 thùng ong giống chất lượng cao, 1 máy lọc mật ong thô và 3 máy đo thủy phần cho 30 hộ dân tham gia. Mỗi hộ còn được dự án hỗ trợ 50% giá trị các thùng ong giống ngoại nhập từ Italy, 60 kg bột và gần 16 kg phấn hoa làm thức ăn cho ong. Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình còn được đào tạo chuyển giao kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp lớp học hiện trường về chọn địa điểm nuôi, kỹ thuật nuôi và chăm sóc, tạo chúa, chia đàn, nhập đàn, phương pháp phòng trừ bệnh, chống nóng và rét, thu hoạch các sản phẩm ...
Gia đình ông Hồ Đức Lân, được hỗ trợ 15 thùng ong giống cùng và thức ăn từ mô hình nuôi ong để phát triển sinh kế bền vững. Ông Lân cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ về vốn đầu vào và trang thiết bị hỗ trợ nghề nuôi ong còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và giám sát thường xuyên nên hạn chế được tốt đa thiệt hại do dịch bệnh; hướng dẫn sử dụng chất hữu cơ trong trị bệnh cho ong nên không ảnh hưởng đến môi trường; tận dụng diện tích trồng keo của gia đình để làm nguồn thức ăn cho ong, nên giảm được chi phí.
Hơn nữa, thời tiết cuối năm tạnh ráo nên mỗi tháng gia đình ông quay mật 2 - 3 lần. Vụ đầu tiên (từ tháng 8 đến tháng 11) với 15 thùng đã thu được 375kg mật ong, lợi nhuận trung bình khoảng 500.000 đồng /thùng, chưa tính lợi nhuận từ các sản phẩm phụ như phấn hoa, sáp ong. Trong năm nay, gia đình ông phấn đấu đưa lên thành 50 thùng ong.
Nông dân tham quan mô hình nuôi ong. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Mô hình nuôi ong đã mở ra sinh kế mới bền vững cho người dân trồng rừng khu vực xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong năm 2018, các hộ gia đình đã cung cấp ra thị trường gần 21 tấn mật ong với doanh thu hơn 380 triệu đồng. Đặc biệt, mật ong từ cây tràm được đánh giá là loại mật sạch 100%, trên thị trường bởi cây tràm không bị ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh. Đây cũng chính là thế mạnh có khả năng xây dựng thương hiệu mật ong sạch Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ông Hoàng Hữu Hè, Chủ tịch Hội nuôi ong tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mô hình "Nuôi ong để phát triển bền vững" mang lại kết quả tích cực, các hộ tham gia đều khẳng định mô hình đã bước đầu cải thiện thu nhập cho gia đình. Mô hình chú trọng đến việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi ong cho người dân và tận dụng diện tích rừng keo, tràm của lâm dân và rừng tự nhiên do người dân bảo vệ để làm nguồn thức ăn cho ong; hỗ trợ máy móc, kỹ thuật để thu hoạch đúng thời điểm, loại bỏ tạp chất để nâng cao chất lượng mật, góp phần hoàn thiện quy trình quy trình nuôi ong bền vững, không sử dụng chất cấm, cung cấp sản phẩm mật ong đạt chất lượng xuất khẩu để nâng cao giá trị.
Đặc biệt, mô hình này đã thúc đẩy nghề nuôi ong trên địa bàn tỉnh phát triển đặc biệt, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con ở vùng đồi núi, vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi ong khi có vùng gò đồi, miền núi chiếm gần 70% diện tích đất tự nhiên; toàn tỉnh có trên 310.000 ha rừng trồng, chủ yếu là keo, tràm cùng hơn 9.000 ha cao su và nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả khác là nguồn cung cấp phấn, mật hoa phong phú.
Hiện nay, ở Thừa Thiên – Huế có nhiều vùng tập trung nuôi ong lấy mật ở các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Nam Đông; A Lưới và thị xã Hương Trà với hơn 6.500 đàn ong. Cung cấp gần 400 tấn mật ong/năm, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo đặc biệt cho bà con các xã vùng đồi núi của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục duy trì và phát triển mở rộng đàn ong trên các địa bàn có tiềm năng; thành lập các nhóm liên kết, hợp tác xã để ký hợp đồng với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra và bình ổn giá; tạo thương hiệu, chuỗi giá trị cho sản phẩm mật ong; nghiên cứu và phát triển nuôi ong trong thùng kế, sản xuất mật ong hữu cơ; quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của mật ong... phấn đấu vào năm 2020, toàn tỉnh có từ 7.000 - 7.500 đàn ong với 100% mật sạch; sản lượng từ 400 - 420 tấn/năm.
Dự án Trường Sơn Xanh có tổng kinh phí gần 10 triệu USD do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại. Dự án được triển khai ưu tiên tại 7 huyện, thị xã: gồm: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà. Dự án bao gồm 3 hợp phần là tăng cường áp dụng các phương thức sử dụng đất phát thải thấp; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2017 – 2020, dự án sẽ cải thiện sinh kế cho khoảng 8 000 người, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho khoảng 10.000 người, giảm phát thải khí nhà kính 2,4 triệu tấn CO2. Ngoài ra, dự án còn giúp cải thiện về quản lý nguồn tài nguyên cho 160.000ha rừng. |
Tường Vi