Hiệp định Paris năm 1973: Mốc son chói lọi của Ngoại giao cách mạng Việt Nam
50 năm Hiệp định Paris (1973-2023): Ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam hơn 20 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). |
Thắng lợi vẻ vang trong lịch sử ngoại giao Việt Nam Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng thời là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Các bài học kinh nghiệm về đàm phán Hiệp định Paris đến nay vẫn còn nguyên giá trị, giúp Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. |
Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị Paris tại Pháp (Ảnh tư liệu). |
Ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Paris
Cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của quân, dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris đều nhằm mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Việc ký kết Hiệp định Paris đã mở ra cục diện mới, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Thắng lợi vĩ đại này kết tinh thành quả đấu tranh và hy sinh to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiệp định Paris là một mốc son trong trang sử vàng của nền Ngoại giao cách mạng Việt Nam. Thắng lợi đó bắt nguồn từ thắng lợi trong cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta với biết bao xương máu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, từ khát vọng hòa bình mãnh liệt, từ truyền thống yêu nước nồng nàn, từ giá trị và cốt cách của dân tộc Việt Nam, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự; phát huy và chuyển hóa thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán. Đây thực sự là cuộc đấu trí đầy cam go, thể hiện sáng ngời bản lĩnh và trí tuệ của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa cao cả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo nên phong trào nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam, một phong trào mang tính biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri của loài người.
Vì vậy, việc ký kết Hiệp định Paris cũng là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, củng cố niềm tin của các dân tộc bị áp bức trên thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Với ý nghĩa đó, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris, ngày 27/01/1973 (Ảnh tư liệu). |
Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, chúng ta biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối; ghi lòng tạc dạ sự hy sinh vĩ đại của biết bao đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu để làm nên những chiến công chói lọi.
Chúng ta mãi ghi nhớ sự đóng góp to lớn của các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn và Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn, đặc biệt là vai trò và những cống hiến to lớn của đồng chí cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.
Chúng ta cũng ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình và hướng về Tổ quốc của kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp. Chúng ta biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ trên thế giới đã ủng hộ, cổ vũ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Các hiện vật gồm: hộ chiếu công vụ, bút ký Hiệp định Paris năm 1973, phù hiệu thành viên đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, con dấu... tại triển lãm “Hội nghị Paris - Đường đến hòa bình”, ngày 12/07/2018 tại Bảo tàng Hà Nội. |
Những bài học ngoại giao mãi mãi còn nguyên giá trị
Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định là dịp quan trọng để chúng ta cùng ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và nền ngoại giao Việt Nam. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định đã để lại nhiều bài học quý báu và sâu sắc, trong đó nhiều bài học đã trở thành những quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ sự lớn mạnh không ngừng về thực lực và thắng lợi của quân, dân ta trên chiến trường. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chúng ta đã chuyển hóa thành công những thắng lợi đó thành thắng lợi trên bàn đàm phán.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc sự tổng hợp của sức mạnh chính nghĩa; sức mạnh đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, sức mạnh khối đại đoàn kết cùng truyền thống, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán…
Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung của các dân tộc về hòa bình, bình đẳng, tôn trọng công lý và phẩm giá con người… Cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta thắng lợi là nhờ đã phát huy được sức mạnh dân tộc kết hợp với sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ông Nguyễn Duy Trinh phát biểu cám ơn bà con Việt kiều, ngày 25/02/1973 (Ảnh tư liệu). |
Thứ ba, kiên định về mục tiêu, nguyên tắc, cơ động, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mục tiêu và nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia. Sách lược của chúng ta là “vừa đánh, vừa đàm”, kết hợp chặt chẽ các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, xử lý đúng đắn quan hệ giữa các nước lớn…
Thứ tư, bài học về nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao như nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”; về kiên quyết, kiên trì theo đuổi mục tiêu và giành thắng lợi từng bước; về chọn thời cơ chín muồi để kết thúc đàm phán; về kết hợp tài tình giữa thế và lực, giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán…
Thứ năm là bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao đã trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và phương pháp, nghệ thuật đàm phán. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ bản lĩnh, xuất sắc tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Tuấn Anh). |
Thành tựu đối ngoại và phát triển đất nước sau hơn 35 năm đổi mới đã minh chứng các bài học rút ra từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và kế thừa, vận dụng, phát triển những bài học quý báu đó trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngoại giao dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đó, toàn ngành Ngoại giao quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng vì một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ký ức về Hiệp định Paris 1973 Thấm thoắt 50 năm đã trôi qua kể từ ngày 27/1/1973, ngày Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Tôi rất vinh dự đã tham gia phong trào yêu nước tại Pháp, đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc đấu tranh giành lại tự do, hòa bình cho đất nước và Bắc Nam sum họp một nhà. |
Hiệp định Paris 1973: Ký ức đong đầy sau nửa thế kỷ Ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị phố Kléber ở thủ đô Paris, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Nửa thế kỷ sau, phần lớn những người tham gia hoặc chứng kiến trực tiếp vào sự kiện lịch sử này đã không còn, nhưng đối với số ít những người còn lại, những kỷ niệm, cảm xúc vẫn đong đầy, mặc dù những đóng góp của họ rất thầm lặng. |