Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng kỷ lục
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.
Lũy kế 5 tháng, xuất khẩu quả sầu riêng đạt 503,4 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD).
Trong số các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc nhập sầu riêng Việt nhiều nhất với giá trị 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
So với giai đoạn giá sầu riêng đạt đỉnh vào đầu năm nay, với mức 150.000 - 190.000 đồng mỗi kg, hiện giá đã giảm còn 60.000 đồng/kg. Sự giảm giá này được lý giải bởi sầu riêng hiện đang bước vào giai đoạn chính vụ nên giá đã hạ nhiệt rất nhiều.
Tuy vậy tại thị trường Trung Quốc, nơi chiếm đến 84% kim ngạch xuất khẩu, sầu riêng vẫn đang là sản phẩm hút hàng liên tục khi được bán với giá khoảng 50 Nhân dân tệ mỗi kg, khoảng 160.000 đồng/kg trên các trang thương mại điện tử của nước này.
Sầu riêng là mặt hàng quan trọng giúp tạo nên kim ngạch ấn tượng của ngành rau quả nói chung. (Ảnh: Báo Đầu tư). |
Trong những tháng đầu năm nay, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhận định sầu riêng là mặt hàng quan trọng giúp tạo nên kim ngạch ấn tượng của ngành rau quả nói chung.
Việc trồng sầu riêng ở các vùng của Trung Quốc hiện chưa mang lại năng suất tốt, trong khi đó nhu cầu từ thị trường tỷ dân này lại rất lớn. Đó cũng chính là lý do cho nhận định rằng nếu tận dụng tốt các lợi thế thị trường, trái sầu riêng Việt Nam có thể tiếp tục đạt được các kỷ lục xuất khẩu mới.
"Nếu chúng ta xây dựng thương hiệu, đảm bảo sản phẩm sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi nghĩ xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc sẽ rất thuận lợi", ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, đánh giá.
Sầu riêng được bày bán tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh. (Ảnh: Báo Nhân dân). |
Hiện, Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Ngoài sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với các loại quả như măng cụt, chuối và đang đàm phán để ký với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Cuối tháng 5, sầu riêng Việt xuất khẩu vào mùa thu hoạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng mạnh, gây ùn tắc có thời điểm tới hơn 700 xe hàng. Tuy nhiên, sau nỗ lực đàm phán với hải quan Trung Quốc, hoạt động thông quan đã có nhiều cải thiện. Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, đã sắp xếp các xe hàng ùn ứ vào Khu phi thuế quan, nên khi tới cửa khẩu không phải đỗ ngoài đường, đảm bảo an ninh trật tự cũng như vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đồng ý kéo dài thời gian thông quan đến 22h (giờ Hà Nội), tối ưu hóa quy trình thông quan, kiểm tra, kiểm soát nhanh hơn, đồng ý chuyển sầu riêng xuất qua Cửa khẩu Tân Thanh một phần. |
Nông sản xuất sang Trung Quốc ùn ứ tại cửa khẩu lại tái diễn, Thủ tướng chỉ đạo khẩn Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp cấp bách không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng. |
Sản xuất sầu riêng của Việt Nam không thấm thía so với nhu cầu 1,4 tỷ dân Trung Quốc Năm 2023, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, trong đó, sầu riêng đạt 1 tỷ USD. Diện tích sầu riêng đang tăng “nóng” nhiều người lo “đụng hàng dội chợ”, còn doanh nghiệp thì nói “sản xuất sầu riêng của Việt Nam không thấm vào đâu so với nhu cầu của Trung Quốc”. |