Hậu quả khôn lường đằng sau những clip "rác"
Nhiều vụ việc thương tâm
Trong ít ngày vừa qua, các bậc phụ huynh đã vô cùng sửng sốt và đau xót khi đón nhận thông tin về các em nhỏ tử vong chỉ vì làm theo hướng dẫn trong clip. Đó là trường hợp một bé gái 5 tuổi vừa xem xong video hướng dẫn trò thắt cổ trên Youtube. Do tò mò, bé đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà và… bắt chước.
Bé trai được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sau khi học theo cách “thắt cổ không chết” trên YouTube. |
Đáng buồn, trường hợp này không phải là duy nhất. Trước đó, tháng 11-2019, bé trai 7 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP.HCM cũng làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên mạng xã hội. Gia đình chỉ phát hiện ra bé khi người cháu đã tím ngắt. Rất may là các bác sỹ đã can thiệp kịp thời. Khi tỉnh lại, bé kể rằng mình học theo trò ảo thuật trên Youtube, trong đó hướng dẫn cách thắt cổ mà vẫn sống nên đã làm theo. Không chỉ dạy thắt cổ không chết, các clip “rác” còn dạy các bé làm siêu nhân theo một cách… điên rồ. Và một bé trai sau khi xem clip trên mạng đã bắt chước hành động của “siêu nhân nhện” nên đập tay thật mạnh vào kính dẫn tới đứt mạch máu. Gần đây, hôm 30/10 vừa qua, một bé trai 9 tuổi (ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, ho nhiều, khó chịu, do nuốt phải dị vật là một chiếc bấm móng tay, gây tổn thương dạ dày. Người nhà bệnh nhi cho biết, nguyên nhân dẫn tới tai nạn trên là do cháu xem các clip trên Youtube và làm theo.
Bất chấp để “câu view”, “câu like”
Dù mức độ nhảm nhí của các clip này rất đáng lên án nhưng chúng vẫn xuất hiện một cách ngang nhiên trên mạng. Điều đáng nói là những clip này không cảnh báo trẻ em hay giới hạn độ tuổi, gia đình, cha mẹ cho con em mình xem một cách tự nhiên, thoải mái, không có sự kiểm soát. Đôi khi cha mẹ còn vui đùa, bình luận với con, xem đó như là một trò tiêu khiển. Chính vì vậy, những tai nạn thương tâm đã xảy ra khi cha mẹ ít có thời gian để mắt tới trẻ.
Cảnh ăn cá sống rùng rợn từng đăng tải trên Youtube. |
Có một thực tế không thể phủ nhận, không ít người làm Youtube đang lợi dụng các clip nhảm nhí, vô bổ và thậm chí độc hại, nguy hiểm để “câu view”, “câu like”, thu lợi nhuận từ tiền quảng cáo. Những khoản thu nhập lên tới vài chục triệu cho tới cả vài trăm triệu đồng/tháng được trả cho các tài khoản có lượng truy cập đông đảo luôn rất hấp dẫn đối với bất kỳ ai. Một cuộc đua làm clip “câu view” bất chấp tất cả đã diễn ra rầm rộ và điều có thể thấy ngay chính là những clip “rác” nhan nhản trên các nền tảng ứng dụng như Tiktok, Youtube…
Một ước tính sơ bộ cho biết, tại Việt Nam, cứ 1 triệu lượt xem là người sản xuất clip có thể nhận được trên dưới 30 triệu đồng, một số tiền không nhỏ. Đương nhiên, cũng còn tùy vào tỷ lệ người bấm vào quảng cáo, hoặc người xem quảng cáo. Và một video có hàng triệu view như “bà Tân Vlog” hay “Khá Bảnh” trước đây thu nhập sẽ là cực “khủng”. Clip càng độc, càng lạ, càng quái dị sẽ càng thu hút người xem. Có thể vì điều này mà các nhà sản xuất clip online luôn tìm kiếm các đề tài “quỷ quái” như: dạy phi cả trăm con dao từ trên cao xuống đất; thử chui vào chuồng chó xem cảm giác như thế nào; nấu cháo gà nguyên cả con gà còn lông; hoặc các clip “ăn tươi nuốt sống” gần đây… Điều ngạc nhiên là, dù chẳng có gì đáng để xem, không hề cung cấp các kiến thức bổ ích nhưng các clip này lại có cả triệu cú nhấp chuột và đẩy số lượt theo dõi tăng vọt. Trong khi đó, các clip tử tế, được đầu tư công phu lại có số lượt theo dõi thấp hơn hẳn.
Tăng cường quản lý nội dung, mạnh tay xử lý các kênh phát tán clip “rác”
Mới đây, 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực... vừa bị Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự hợp tác giữa các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý nội dung trên mạng xã hội.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, hiện có khoảng 15.000 kênh YouTube được bật nút kiếm tiền, trong đó khoảng 350 kênh thực sự kiếm tiền có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên. Nhiều kênh dành cho trẻ em có hình ảnh dung tục, phản cảm… Hiện tại, các kênh YouTube có nội dung phản cảm thường là kênh cá nhân, hoạt động độc lập. Trong số 15.000 kênh kiếm tiền, chỉ có khoảng 30% tức là khoảng 5.000 kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Google xem xét, yêu cầu các kênh YouTube bật nút kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các công ty này để đảm bảo việc quản lý.