Haruna Ishimaru - cô gái Nhật Bản muốn cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số trẻ
Haruna Ishimaru tới Việt Nam với vai trò là cán bộ điều phối của Plan International (Ảnh: NVCC). |
Đó là những chia sẻ của Haruna Ishimaru, 30 tuổi đến từ Nhật Bản. Được biết, Haruna tới Việt Nam từ tháng 8/2022. Là cán bộ điều phối của Plan International, Haruna mong mỏi cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số trẻ tại địa phương miền núi như Hà Giang, Lai Châu...
Tạp chí Thời Đại đã có buổi phỏng vấn với Haruna Ishimaru về vấn đề cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số trẻ. Với Haruna, các bạn trẻ dân tộc thiểu số thực sự lạc quan và kiên trì nỗ lực vì bình đẳng giới.
- Được biết Haruna là cán bộ điều phối của Dự án “Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu”, vậy bạn mong muốn đem đến điều gì khi tham gia dự án?
Tôi hi vọng sẽ giúp tăng cường trao quyền cho phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới thông qua các hoạt động sinh kế.
- Công việc của một điều phối viên cho dự án “Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu” có phải là thử thách mới với bạn?
Đúng thế, đây là dự án đầu tiên mà tôi làm việc với vai trò cán bộ điều phối, cũng là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam và do vậy mà tôi vô cùng lo lắng. Nhưng nhờ vào sự chân thành và nồng hậu của các bạn đồng nghiệp cũng như các anh chị cơ quan đối tác Việt Nam, tôi đã thích nghi rất nhanh chóng.
Haruna Ishimaru (thứ hai từ trái sang) là cán bộ điều phối dự án dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số vùng Hà Giang và Lai Châu” (Ảnh: NVCC). |
- Một người nước ngoài xây dựng dự án ở các khu vực đô thị, đồng bằng hay các vùng dễ tiếp cận cũng đã rất khó khăn. Tại sao Haruna lại chọn Việt Nam, chọn Hà Giang, Lai Châu – các tỉnh miền núi mà không phải địa phương khác?
Địa bàn hoạt động của tổ chức Plan International Việt Nam đều là những vùng xa xôi hẻo lánh nhất của Việt Nam, trong đó có tỉnh Hà Giang và Lai Châu. Chúng tôi lựa chọn hai tỉnh này bởi vì tỷ lệ kết hôn sớm của thanh niên ở nơi đây rất cao, đặc biệt là các bạn thanh niên dân tộc thiểu số. Họ cũng phải đối mặt với những khó khăn trong việc duy trì sinh kế, khi mà việc canh tác, chăn nuôi phụ thuộc hầu hết vào kinh nghiệm truyền thống.
Khi tôi còn nhỏ, tôi thường được nghe người ta nói rằng phụ nữ không cần phải có thu nhập, rằng bạn càng sớm kết hôn với ai đó thì càng tốt. Tôi luôn đặt câu hỏi về quan điểm này vì họ không nói những điều tương tự với các bạn nam. Vì dự án này hướng đến giới trẻ đang phải đối mặt với các vấn đề về bình đẳng giới, nên tôi nghĩ đây là dự án mà tôi có thể thực hiện với niềm đam mê mãnh liệt.
Dự án của cô tập trung vào cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số trẻ (Ảnh: NVCC). |
- Ở Nhật Bản có dân tộc thiểu số không? Bạn có so sánh gì với quốc gia của bạn?
Ở Nhật Bản cũng có những nhóm người dân tộc thiểu số. Tôi cảm thấy có nhiều cơ hội để học hỏi về văn hóa của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hơn là ở Nhật Bản. Đây thực sự là một cơ hội học hỏi tuyệt vời và tôi hi vọng Nhật Bản có thể học được từ Việt Nam.
- Theo bạn thanh niên dân tộc thiểu số tham gia dự án sẽ giúp mang lại những lợi ích gì?
Các bạn trẻ dân tộc thiểu số tham gia dự án hiện đang truyền cảm hứng cho nhiều người xung quanh. Ở những khu vực này, phụ nữ luôn đảm nhận công việc gia đình nên bạn khó có thể tưởng tượng họ có thể có thu nhập. Thông qua dự án này, phụ nữ và nam giới ở nhiều lứa tuổi khác nhau đã rất hào hứng khi thấy những bạn thanh niên này, đặc biệt là phụ nữ. Họ chính là những hạt nhân đang thúc đẩy cho sự thay đổi các định kiến lạc hậu từ chính câu chuyện của họ tại địa phương, là hình mẫu cho trẻ em dân tộc thiểu số. Đối với tôi, họ là những người thực sự lạc quan và kiên trì nỗ lực vì bình đẳng giới.
Với Haruna, các bạn trẻ dân tộc thiểu số thực sự lạc quan và kiên trì nỗ lực vì bình đẳng giới (Ảnh: NVCC). |
- Bạn thấy dự án của mình có tác động, ảnh hưởng thế nào đến đời sống của thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang, Lai Châu?
Nhờ có sự tận tâm của các đối tác địa phương và sự cam kết mạnh mẽ của thanh niên khi tham gia vào các khóa tập huấn của dự án, thu nhập của nhiều người đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi sử dụng các chỉ số xây dựng ở giai đoạn thiết kế dự án để theo dõi tác động bằng các con số cụ thể. Thực tế cho thấy, 96% thanh niên tham gia các khóa tập huấn đã tăng thu nhập lên hơn 10%. Chỉ có 4% là không cho rằng những kiến thức, phương pháp về chăn nuôi, trồng trọt mà họ học được mang lại hiệu quả cao hơn về thời gian/chi phí, cũng như thân thiện hơn với môi trường.
Chúng tôi cũng đo lường tác động của dự án xung quanh việc phụ nữ tham gia vào quản lý tài chính gia đình. Chỉ có 46% phụ nữ cho biết đã tham gia quản lý tài chính gia đình trước khi tập huấn nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 95% sau tập huấn. Chúng tôi nhận thấy đã có sự thay đổi đáng kể trong việc chị em phụ nữ thực hành việc ghi chép chi tiêu, đứng tên vay tiền ngân hàng và tạo thu nhập cho gia đình.
- Trong suốt thời gian tham gia dự án, khó khăn, rào cản lớn nhất bạn gặp phải là gì?
Việc giao tiếp ban đầu rất khó khăn. Tôi chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện nhiều với bất kỳ ai đến từ Việt Nam trước đây, nên ban đầu tôi không yên tâm lắm về cách giao tiếp. Đặc biệt với các bạn trẻ dân tộc thiểu số, một số người cũng cần phiên dịch sang ngôn ngữ địa phương của họ, vì vậy tôi cần đảm bảo rằng mình nói bằng những từ ngữ dễ hiểu để người dịch hiểu rõ quan điểm của tôi hơn. Tôi và các bạn phiên dịch cũng đã thảo luận trước về các câu hỏi hướng dẫn, để các bạn thanh niên có thể hiểu câu hỏi tốt hơn. Chuẩn bị kỹ là vậy nhưng đôi khi tôi vẫn nhận được những câu trả lời “lạc đề”, ngoài dự tính. Nhưng tôi thấy những trải nghiệm này thực sự thú vị và đáng nhớ. Xóa bỏ khoảng cách giới là một hành trình dài, nhưng chúng tôi sẽ không dừng lại cho tới khi tất cả chúng ta đều có được bình đẳng giới.
Nhờ có sự tận tâm của các đối tác địa phương và sự cam kết mạnh mẽ của thanh niên khi tham gia vào các khóa tập huấn của dự án, thu nhập của nhiều người đã tăng lên đáng kể (Ảnh: NVCC). |
- Câu chuyện nào khiến bạn ấn tượng nhất trong suốt thời gian tham gia dự án?
Tất cả những câu chuyện mà tôi được nghe, được biết đều gây ấn tượng, nhưng có một câu chuyện thực sự làm tôi xúc động, đó là về một bạn gái tên Mai. Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2022. Việc giao tiếp với cô ấy không chỉ khó khăn do rào cản ngôn ngữ, mà còn do cô ấy cực kỳ ngại ngùng và xấu hổ, cô ấy thậm chí còn không cười một lần nào trong cả cuộc nói chuyện. Tôi đã quay lại, gặp cô ấy 6 tháng sau đó (tháng 4/2023) và cô ấy đã hoàn toàn thay đổi. Cô ấy mỉm cười tự tin và trả lời tất cả các câu hỏi của tôi bằng tiếng Việt. Khi tôi nói rằng cô ấy như thể một người khác vậy (nếu so sánh với lần gặp nhau trước đó), cô ấy nói rằng nhờ tham gia vào các khóa tập huấn của dự án mà cô ấy có được sự tự tin mà mình chưa bao giờ có. Giờ đây cô ấy không còn sợ hãi khi nói chuyện với người lạ, hoặc khi đứng nói chuyện trước đông người nữa. Tôi cảm nhận được sự thay đổi của cô ấy và rất nhiều người khác nữa, đó là thành quả thực sự ý nghĩa mà dự án này đã và đang mang lại. May mắn thay, tôi đã được trực tiếp chứng kiến những điều tuyệt vời này.
- Bạn có kế hoạch tiếp tục ở lại Việt Nam khi dự án kết thúc?
Tôi sắp phải rời Việt Nam do visa sắp hết hạn. Tuy nhiên, tôi cùng các đồng nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang cùng nhau xây dựng dự án mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau trong quá trình chuẩn bị này bất chấp khoảng cách địa lý. Khi dự án này khởi động, tôi sẽ quay lại Việt Nam vào năm tới.
Cảm ơn Haruna về cuộc trò chuyện này!
Quảng Nam: Chuyên gia Nhật Bản ứng dụng công nghệ xác định niên đại tại Khu đền tháp Mỹ Sơn Đoàn chuyên gia Nhật Bản giới thiệu ứng dụng “Khảo cổ trường địa từ” và “Đá từ tính” Nhật Bản để xác định niên đại các cổ vật tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. |
11 năm đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam tại Ninh Bình Ngày 18/8, Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam đã đến thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. |