Anton Shakhigulin – chàng trai người Nga thông thạo tiếng Việt đến từ thành phố Saint Petersburg (Nga). Cái duyên với tiếng Việt và cơ hội được trải nghiệm tại Việt Nam đã làm cho hành trình cùng tiếng Việt của chàng trai này trở nên thú vị hơn. |
Anton Shakhigulin sinh ra và lớn lên tại S.Petersburg và hiện tại đang là phiên dịch viên tiếng Việt tại Moscow. Anh học tiếng Việt từ năm 2013 tại khoa Đông phương của Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg (SPbSU), đặc biệt hơn, anh còn biết cả những ngoại ngữ khác như: Anh, Trung và Khơme. |
CÁI DUYÊN VỚI TIẾNG VIỆT XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU? |
Học tiếng Việt tại Nga, có lẽ, đây là điều mà Anton sẽ không bao giờ ngờ tới. Năm 2013 Anton tốt nghiệp trường trung học và thi vào Trường đại học Quốc gia Saint Petersburg, trở thành sinh viên của khoa Đông phương, nhưng vì thiếu điểm thi, nên Anton không thể chọn học tiếng Trung hoặc tiếng Nhật (đây là hai ngôn ngữ khá phổ biến ở Nga). Các lớp học ngoại ngữ tại khoa Đông phương của trường Trường đại học Quốc gia Saint Petersburg thường không quá đông, với lớp tiếng Việt chỉ khoảng 5 người. Và cái duyên với tiếng Việt đã xuất phát từ đó, Anton quyết định chọn học tiếng Việt và cho tới thời điểm hiện tại, anh chàng vẫn không hề hối hận về quyết định của mình. Ngược lại, sau 8 năm học tiếng Việt, anh đã trở nên gắn bó và yêu quý nền văn hóa cũng như con người Việt Nam hơn. |
NHỮNG KHÓ KHĂN KHI HỌC TIẾNG VIỆT |
“Lần đầu tiên khi thấy tiếng Việt, lúc đó mình rất ngạc nhiên. Vì chữ cái tiếng Việt giống chữ tiếng Anh nhưng lại có nhiều ký hiệu lạ với người nước ngoài như «~», «'», «^» (ví dụ trong các từ «mã», «cá», «tôi», «mê»). Ngoài ra, lúc đầu mình nghe tiếng Việt rất khó hiểu và người Việt thì nói rất nhanh. Nhưng sau một khoảng thời gian học tiếng Việt, luyện đọc và nghe, mình dần dần làm quen với ngôn ngữ này và cách nói của người Việt. Khi có cơ hội được giao tiếp với người Việt, mình mới nhận ra họ không nói nhanh như mình nghĩ, chỉ là khi mới làm quen với một ngôn ngữ nào đó, bạn sẽ thấy họ phát âm nhanh đến mức không thể hiểu được.” – Anton chia sẻ về ấn tượng đầu tiên với tiếng Việt. Sáu thanh điệu của tiếng Việt là một thử thách lớn mà những sinh viên học tiếng Việt phải vượt qua. Vào thời gian đầu, Anton chưa thể phát âm đúng, thường sai dấu, đặc biệt là dấu sắc và dấu nặng, ngay cả cho đến cuối năm học thứ hai thì anh chàng vẫn chưa nói chuẩn được tất cả sáu thanh. Trong quá trình học tiếng Việt, chàng trai đã phải đọc nhiều bài có từ Hán Việt mà không tìm được trong các từ điển Nga-Việt và thậm chí Anh-Việt. Từ Hán Việt thường khó hiểu và có nghĩa bóng, đặc biệt trong các bài thơ cổ. Đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và các bài thơ của Hồ Xuân Hương rất thú vị, nhưng đồng thời cực kì khó đối với Anton cũng như các bạn sinh viên nước ngoài. Ngoài từ Hán Việt ra, trong tiếng Việt có số lượng lớn các từ ẩn dụ, từ láy, từ so sánh mà cũng rất khó. Tiếng Việt cũng có kho tàng phong phú của các câu tục ngữ và thành ngữ nhưng lại không dễ hiểu đối với các sinh viên Nga. Các từ láy, từ so sánh, từ Hán Việt tạo cho văn bản nhiều sắc thái mới, làm tiếng nói của chúng ta phong phú hơn, vì vậy từ thời sinh viên cho đến nay, chàng trai này vẫn thích thú ghi chép những loại từ đó vào sổ tay và ôn lại chúng khi có thời gian rảnh. “Trong quá trình học tiếng Việt mình đã học được nhiều từ Hán Việt, từ láy, từ ẩn dụ, từ so sánh và thành ngữ. Thế nhưng mình chưa bao giờ nghiên cứu khoa học nào cụ thể về chuyên ngành tiếng Việt cả. Hồi sinh viên mình thích tham gia các hội thảo khoa học. Khi đó mình đã nghiên cứu về những tác phẩm như “Binh thư yếu lược”, “Hịch tướng sĩ”. Mình đã đọc các tác phẩm, tìm tài liệu liên quan, phân tích văn bản rồi viết báo cáo và phát biểu tại hội thảo. Khóa luận tốt nghiệp cử nhân của mình có chủ đề là “Vai trò của đại tướng Trần Hưng Đạo trong văn học Việt Nam” – đây có lẽ là nghiên cứu về chuyên ngành tiếng Việt mà mình đã dành rất nhiều thời gian.” – Anton tâm sự. |
Anton đã từng đi du học Việt Nam từ tháng 10 năm 2015 cho đến tháng 7 năm 2016. Trong gần mười tháng, chàng trai đã học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Các thầy cô khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài đã giúp anh nâng cao trình độ tiếng Việt, hiểu biết thêm về văn hóa, văn học, phong cách sống của người Việt. Trong vòng mười tháng, ngoài Hà Nội ra, Anton đã đặt chân đến Sapa, vịnh Hạ Long, Vinh, Huế, Đà Nẵng, khu du lịch Ba Nà Hills, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Đà Lạt. Có lẽ, Đà Lạt chính là thành phố ở Việt Nam gây ấn tượng mạnh nhất đối với anh. “Ở Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống như: Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội Gióng, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng... Mình nghĩ rằng người Việt rất thân thiện, tốt bụng và hiếu khách. Họ quý trọng Tổ quốc của mình, nhớ rằng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bên cạnh việc giữ gìn các truyền thống của tổ tiên, người Việt cũng luôn thích đổi mới giúp đất nước phát triển hơn.” – Anton chia sẻ với tạp chí Thời Đại. Vì từng sống ở Việt Nam nên chàng trai đã có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn Việt như phở bò, bún bò Huế, cơm rang thập cảm, bún cá, bún chả, nem rán, bánh bao, bánh khọt, bánh cuốn... Nhưng món ăn Việt yêu thích nhất có lẽ là phở bò. Anton thích phở bò vì đây là món ăn Việt đầu tiên mà anh đã được thưởng thức. Khi đến quán ăn Việt Nam ở Saint-Petersburg thì việc thưởng thức phở bò luôn gợi nhớ trong anh về Việt Nam, về bạn bè người Việt, những ngày tháng ở Hà Nội. |
Anton Shakhigulin rất thích đất nước và con người Việt Nam. Từ ngày bắt đầu học tiếng Việt cho đến nay chàng trai chưa bao giờ cảm thấy hối hận về quyết định của mình. Trải qua các thăng trầm trong lịch sử, Việt Nam đã trở thành một đất nước kỳ diệu với nhiều di tích tráng lệ, thành phố nguy nga và thiên nhiên tươi đẹp. Nga và Việt Nam có quan hệ hữu nghị lâu dài và chàng trai hy vọng đây là cơ hội tốt để người dân hai nước có thể hiểu thêm về nhau. Khi tình hình đại dịch COVID-19 bớt căng thẳng, Anton mong muốn chính phủ hai nước sẽ tổ chức thêm các hội nghị, diễn đàn, chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt – Nga nhằm tăng thêm phần gắn kết trong mối quan hệ, tinh thần hữu nghị và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực hơn. Đồng thời, Anton cũng mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng việc dạy tiếng Nga ở Việt Nam và việc dạy tiếng Việt tại LB Nga trong tương lai. |
Vũ Khánh Ảnh: NVCC Đồ họa: Vũ Khánh |
Đưa cổ tích Việt Nam tới gần hơn với công chúng Nga
Từ tình yêu đối với văn hoá Việt Nam, ba cô gái trẻ tuổi người Nga: Yulia Minina - giảng viên Viện Nghiên cứu phương Đông và Cổ vật thuộc trường Kinh tế cao cấp; Anna Kharitonova - giảng viên Khoa Đông phương học thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg và Ekaterina Lyutik - cộng tác viên khoa học của Viện Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) đã dịch truyện cổ tích Việt Nam sang tiếng Nga.
|
Hãy luôn mạnh mẽ và tích cực để vượt qua đại dịch
Đây là tâm sự của cô gái Nga Sonya Firsova đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Sonya gặp khó khăn trong dịch bệnh nhưng đã được hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
|