Hạn hán gay gắt ở Bình Thuận, nguy cơ cháy rừng cao ở Đắk Lắk
Hạn hán, thiếu nước có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh ven biển Trung Bộ |
Hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn |
Theo VOV, tỉnh Bình Thuận đã nửa năm nay hầu như không có mưa. Lượng nước từ các hồ chứa từ mùa mưa 2019 thấp hơn các năm, khiến cho hạn hán ngày càng khốc liệt. Bình Thuận đang gồng mình chống chọi đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 10 năm qua.
Nắng nóng kéo dài khiến hơn 25.000 hộ dân với gần 93.000 khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Người dân ở một số nơi phải đi chở nước hoặc mua nước từ nơi khác với giá 80.000 - 120.000 đồng/m3. Gần 15.000 ha đất sản xuất nông nghiệp buộc phải cắt giảm.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, đây là đợt hạn khắc nghiệt nhất trong 10 năm qua. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 13 triệu m3 nước, chủ yếu tập trung ở hồ Sông Quao cùng các hồ chứa, giếng khoan, chiếm khoảng 6% lượng nước theo thiết kế.
Các hồ chứa ở Bình Thuận đang cạn trơ đáy (Ảnh: VOV) |
Bình Thuận hiện đã ngưng cấp nước cho nông nghiệp, chỉ ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên. Chính quyền địa phương cũng đang tính tính toán kỹ lưỡng việc cấp nước sinh hoạt, ưu tiên những khu vực trung tâm, đặc biệt là TP. Phan Thiết.
Sở NN-PTNT Bình Thuận đã có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tăng lượng nước xả tại hồ thuỷ điện Đại Ninh từ 15,12 triệu m³ lên 17,92 triệu m³ để duy trì sự sống cho 13.000 ha thanh long ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và cung cấp một phần cho TP. Phan Thiết. Hiện hồ thuỷ điện này cũng còn chỉ 19 triệu m³ nước, chiếm khoảng 7% dung tích thiết kế.
Theo dự báo, từ tháng 6 trở đi thì lượng mưa tại Bình Thuận mới có thể bằng trung bình nhiều năm. Chính vì vậy, hạn hán tại Bình Thuận trong những ngày tới dự kiến sẽ còn khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngàn hộ dân.
Trong khi đó, tại MDrak (Đắk Lắk), nắng hạn đã kéo dài nhiều tháng liền, khiến gần 63.000 ha rừng ở địa phương này đang mức báo động cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng ở huyện MDrak cùng các chủ rừng đang tích cực triển khai phòng, chống cháy rừng.
Các chủ rừng ở huyện MDrak đang tích cực triển khai các biện pháp cấp bách PCCCR (Ảnh: VOV) |
"Nguy cơ cấp báo hiện nay ở mức rất nguy hiểm, cấp 5 rồi...Cả tháng nay sáng nào chúng tôi đi tuần các khu vực xung yếu có nguy cơ cháy rừng cao như: Buôn M'o, M'jam, buôn Cùi xã Ea Trang là những khu vực nhiều thông rễ cháy rừng để phòng cháy" - ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ Trạm kiểm lâm số 1 thuộc Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ núi Vọng Phu, cho hay.
Trước nguy cơ cháy rừng ở mức cao, lực lượng chức năng cũng như các chủ rừng đang tích cực triển khai công tác phòng chống cháy rừng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để đề cao cảnh giác.
Ông Y Knak Byă - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mdrak cho biết: Hiện vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao nhất là khoảng 45.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Cư San, Ea Trang, Ea H'Mlây, khu vực giáp ranh với 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Dưới ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt, các thảm thực bì hay cành khô của cây rất dễ bắt lửa và khi có cháy thì rất khó xử lý vì hầu hết sông suối, ao hồ hay các công trình thuỷ lợi đều đã cạn trơ đáy - ông Y Knak Byă nhấn mạnh.
Chủ động xây dựng kịch bản chống hạn mới tại Nam Trung Bộ Trước tình hìnhhạn hán kéo dài nhiều tháng tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nhiều địa phương buộc phải lên phương án dừng ... |
Chuyển đổi 50.000ha đất canh tác lúa bị hạn mặn sang loại cây trồng phù hợp Ngày 24/3, để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động khuyến ... |
UNDP hỗ trợ 185.000 USD giúp Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn Ngày 17/3 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ Đồng bằng Sông Cửu Long 185.000 ... |