Hải Phòng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản phát triển dịch vụ cảng biển và logistics
Hải Phòng có 49 Bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam (Ảnh minh họa). |
Hải Phòng được biết đến là trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam. Có tới 49 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, Hải Phòng đang ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng. Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đến năm 2025 là 9 bến; đến năm 2030 và sau năm 2030 tổng số bến là 23; trước mắt, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư 4 bến (số 3, số 4, số 5 và số 6)...
Hải Phòng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực logistics cả nước. Thành phố có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc. Nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại. Hệ thống hạ tầng logistics có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó thuận tiện kết nối vận tải đa phương thức.
Hiện tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt khoảng 20-23%/năm và tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố Cảng đạt từ 13-15%. Toàn thành phố Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX.
Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng đạt 2,2 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 3,08 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Những lĩnh vực đầu tư chủ yếu: sản xuất thiết bị cơ khí, máy điện, thiết bị điện, máy ghi âm, ghi hình, các sản phẩm bằng plastic, cao su... |
Lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực logistics chiếm xấp xỉ 20% nguồn lao động logistics trên cả nước với khoảng 175.000 người và diện tích kho, bãi trên địa bàn cũng rất lớn, khoảng 701,14 ha với hơn 60 kho, bãi chính.
Ông Lê Tiến Châu cho biết: Với những thế mạnh nổi trội, Hải Phòng luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà thành phố có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…
Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 151 dự án có vốn Nhật Bản, tổng số vốn đầu tư đạt 5,23 tỷ USD (chiếm 20,4% vốn đầu tư FDI cả thành phố), đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Hải Phòng.
Hải Phòng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm mọi nguồn lực ổn định để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Chính quyền thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển các khu công nghiệp mới tạo quỹ đất lớn sẵn sàng đón các nhà đầu tư…
Theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng đặt mục tiêu: Đến năm 2025, trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2025 đạt 15,1%/năm. Đến năm 2030, trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao và hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn. Đến năm 2045, việc tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP sẽ góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. |