Hà Nội thực hiện thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND hướng đến thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Ảnh minh họa
TP Hà Nội đã tổng hợp thống kê các số liệu về các yếu tố khí tượng tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn từ năm 1961 tới nay, theo đó: lượng mưa tăng khoảng 25% từ 1249,4mm (giai đoạn trước 1975) lên 1630,4mm (giai đoạn 2005-2013); chênh lệch lượng mưa giữa giữa tháng lớn nhất và tháng nhỏ nhât lớn từ 50-80 lần, giá trị mưa ngày lớn nhất có xu thế tăng mạnh từ 175,7mm (giai đoạn trước 1975) lên 347mm (giai đoạn 2005-2013). Nhiệt độ trung bình năm qua các giai đoạn cũng có xu thế tăng theo, giai đoạn trước 1975 là 27,050C đến giai đoạn 2005-2010 là 28,020C;nhiệt độ tối cao tăng mạnh từ 33,080C (giai đoạn trước 1975) lên 34,80C (giai đoạn 2005-2013)
Từ đây, TP Hà Nội đã tổng hợp và thống kê số liệu về khả năng dễ bị tổn thương trước những biến đổi cực đoan của khí hậu. Cụ thể, từ năm 1910 đến năm 1970 tần suất mưa, lụt lớn xảy ra tại Hà Nội từ 15 đến 25 năm/lần. Giai đoạn 1970 đến nay, các đợt lũ lụt xảy ra tại Hà Nội trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5-7 năm/lần. Điều này phản ánh thực tế biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh hơn và tác động của lũ lụt đến cuộc sống của người dân ngày càng nhiều hơn, cường độ lớn hơn.
TP Hà Nội định hướng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp trong tương lai, dự báo các hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng sẽ tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt là trong công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Thực tiễn, xu hướng thế giới đang dần hình thành các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Điều này có thể tạo ra các rào cản mới trong thương mại, năng lượng tái tạo, năng lượng mới có mức phát thải khí nhà kính thấp nhưng đòi hỏi đầu tư lớn và có giá thành cao đối với TP.
Việc thực hiện Thỏa thuận Paris trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được phân kỳ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn từ 2018 đến 2020 và giai đoạn từ 2021 đến 2030, với 5 nhóm nhiệm vụ: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ và tài chính; Thiết lập hệ thống công khai minh bạch; Xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, tổ chức theo dõi, báo cáo đánh giá quá trình thực hiện Kế hoạch.
Tuệ Lâm (t/h)