Chiến tranh khiến những nhà khoa học như ông không có nhiều cơ hội học tập nghiên cứu cũng như đóng góp ở chính quê hương. Nhưng ở chính nước bạn Nhật Bản ông vẫn tìm ra con đường để làm rạng danh giới khoa học Việt. Và sau hết khi có cơ hội ông lại lao động hết mình cho nền khoa học nước nhà. |
Năm 1957 GS.TS Đặng Lương Mô đang là sinh viên Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ. Ông là một trong hai sinh viên được nhận học bổng du học Nhật Bản. Trước ngày lên đường, đến từ giã thầy dạy học, ông tình cờ biết được mình có cơ hội được sang Pháp học sau đại học nếu học nốt chương trình đại học trong nước. Thời đó, hầu hết các trí thức thường có xu hướng sang Pháp du học vì thuận lợi về ngôn ngữ. Tuy nhiên ông đã có dự định cho riêng mình. Trước đó ông đã từng xem triển lãm trưng bày quảng cáo các sản phẩm công nghiệp trên tàu Sakura Maru của Nhật cập bến tại Cảng Sài Gòn, trước khách sạn Majestic. Ông nhận thấy rằng trình độ công nghiệp của Nhật không có gì thua kém Pháp. Hơn nữa, người Nhật và người Việt đều là người phương Đông, không chỉ gần gũi về vị trí địa lý, mà có nhiều điểm tương đồng về văn hóa lối sống. Trở ngại duy nhất là ông chưa biết tiếng Nhật, nhưng ông nghĩ mình đã học được hai ngoại ngữ Anh và Pháp rồi, học thêm tiếng Nhật chắc cũng chẳng mấy khó khăn.
Chiến tranh ở Việt Nam ngày càng ác liệt, tốt nghiệp đại học, ông học tiếp Tiến sĩ. Năm 1969, ở tuổi 33, khi ông đã bảo vệ Tiến sĩ và làm thêm một năm hậu Tiến sĩ ở Nhật, thầy dạy học giới thiệu ông vào làm cho tập đoàn Toshiba. Lúc ấy, các công ty Nhật chưa có thái độ cởi mở với người lao động nước ngoài nên ông muốn quay về xây dựng nước nhà. Năm 1971, ông về Việt Nam làm Giảng sư. 2 năm sau, ông nhậm chức Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật (tiền thân của Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh). Sau ngày giải phóng miền Nam, việc chuyển đổi giữa hai chế độ chính trị. Các hoạt động giáo dục, đào tạo nghiên cứu đại học tạm thời bị gián đoạn. Sau 5 năm về Việt Nam, tháng 9/1976, ông đã quay lại xứ sở mặt trời mọc. “Lúc ấy mặc dù đã đậu học vị tối cao tại một học phủ tối cao, đã từng làm việc ở một tập đoàn bậc siêu hạng, có một cuộc sống ổn định, nhưng tôi đã trút bỏ hết, trở về những tưởng sẽ có thể góp sức phủ gấm tô son cho quê hương. Không dè tất cả đều đã tan thành mây khói, cuộc đời phải làm lại từ đầu, tài sản đã mất hết, bản thân thì trong phút chốc trắng tay”. |
Trở lại Nhật làm lại từ đầu có không ít khó khăn, nhưng nhờ các ân sư và bạn bè ở Trường Đại học Tokyo quan tâm giúp đỡ nên chẳng mấy chốc ông lại hòa nhập cuộc sống và con đường học thuật. Đúng thời điểm đó, Nhật khởi động Kế hoạch quốc gia Nghiên cứu phát triển vi mạch siêu vi mô. Vấn đề khoa học nóng bỏng lúc này là thu nhỏ kích thước transistor MOSFET để khuyếch đại quy mô tích tụ của chíp vi mạch. Cộng đồng thiết kế vi mạch thế giới đang rất cần có một mô hình thích hợp cho vấn đề này. Với tài năng và nhiệt huyết của một nhà khoa học trẻ, ông đã tìm tòi và tóm gọn cách giải quyết vấn đề này thành một bài báo, gửi đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng là Solid – State Electronics. Bài báo của ông đã đưa ra một đáp án thỏa đáng cho vấn đề nóng hổi, đúng lúc, đúng yêu cầu của thời đại. Công thức tính dòng điện transistor MOS của ông đã được xem là một trong những mô hình cơ bản với tên gọi Dang Model (Mô hình của họ Đặng) đã được in trong quyển sách giáo khoa về khoa học kỹ thuật “Transistors – Fundamentals for the Intergrated – Circuit Engineer” (Transistor- Cơ sở cho Kỹ sư Vi mạch) của tác giả R.M.Warner, Jr. và B.L. Grung, xuất bản năm 1983. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu cập nhật công thức trên để giải quyết vấn đề gây ra bởi hiệu ứng kênh ngắn trên transistors. Thành quả này được sử dụng trong nội bộ bộ phận thiết kế vi mạch của tập đoàn Toshiba. Từ những kết quả đó, ông gom lại báo cáo trong một bài báo đăng vào số tháng 4/1979 của một tạp chí khoa học nổi tiếng của Mỹ là IEEE Journal of Solid – State Circuits, và Transactions on Electron Devices. Một bài luận cùng nội dung được đăng cùng thời điểm trên hai tờ báo danh tiếng cho đến nay vẫn còn là chuyện hiếm có (đến năm 2014, bài báo của ông được trích dẫn 92 lần). Quan trọng nhất là kết quả đăng trong bài báo này đã được ĐH California ở Berkeley, Hoa Kỳ, lồng vào bộ Mô phỏng SPICE với tên gọi là Dang Model trong Mức 3 của MOSFET. Bộ mô phỏng này hiện nay (2022) vẫn được coi là Công cụ quan trọng nhất về Thiết kế Vi mạch. Tên tuổi ông từ đó, không chỉ nổi tiếng ở Nhật mà cả giới khoa học ở các châu lục khác. Học giả từ các nước Mỹ, Đức, Nga… thường tìm đến gặp ông để trao đổi về vấn đề khoa học. Năm 1983, Hiệu Trưởng Trường Đại học Hosei trực tiếp tới thương lượng với Viện nghiên cứu Trung ương Toshiba mời ông về làm Giáo sư Trưởng Khoa Điện tử Tin học của trường này cho đến ngày nghỉ hưu năm 2002 sau 19 năm làm việc. Trong thời gian này, ông đã trực tiếp đào tạo, hướng dẫn cho trường 7 Tiến sĩ, góp phần đào tạo hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ và vô số kỹ sư. GS.TS Đặng Lương Mô ở Nhật Bản tổng cộng đúng 40 năm, từ khi ông là chàng sinh viên trẻ mới ngoài 20 tuổi. Tên tuổi của ông đã được ghi vào sách giáo khoa, sách nghiên cứu với vai trò là người có nhiều đóng góp cho khoa học công nghệ Thiết kế Vi mạch. |
GS người Mỹ John MOLL tham vấn vấn đề khoa học cùng GSTS Đặng Lương Mô- khoa học bắt cầu cho tình bạn không biên giới của họ. |
Khi Việt Nam mở cửa, lúc này tên tuổi của ông đã vang danh trên cộng đồng khoa học quốc tế. Ông đã được mời từ Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba sang làm Trưởng khoa Điện tử, Đại học Hosei. Theo thông lệ giảng viên ở Nhật gồm có 4 cấp: trợ giáo, giảng sư, phó giáo sư, giáo sư nhưng ông được đặc cách tiến thẳng vị trí Giáo sư thực thụ. Bởi lẽ, vào thời điểm đó ông đã có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng về Điện tử và Công nghệ Thông tin, đã có thêm kinh nghiệm làm nghiên cứu cả chục năm ở một viện nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản. Trên lĩnh vực vi mạch quốc tế, ông có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Giáo sư Mô có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng như IEEE Journal of Solid – State Circuits, Transactions on Electron Devices… Từ khi làm Giáo sư, ông đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các trường đại học trong nước, thông qua việc vận động ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế song phương đem lại lợi ích không nhỏ cho nền giáo dục nước nhà, giúp cho nhiều giảng viên các trường đại học tại Việt Nam sang Nhật nghiên cứu giảng dạy, ký kết trao đổi giảng viên. Trong vòng 20 năm đã có không dưới 50 người từ Đại học Bách Khoa sang Nhật nghiên cứu, giảng dạy. Năm 2000, thông qua sự kết nối của ông, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh được tài trợ 3,5 triệu Yen (35.000 USD) thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch dùng vi mạch chế sẵn FPGA (nay thường gọi là “hệ thống nhúng” hay “embedded system”). Nhà tài trợ chương trình này là Giáo sư Tamaki Hidehiko, thầy của Giáo sư Mô. |
Năm 2002, sau 19 năm làm Giáo sư đại học, ông hồi hương nhưng không nghỉ hưu mà tiếp tục dấn thân vào các hoạt động xã hội: làm cố vấn cho đại học Quốc gia (theo lời mời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đó). Ngoài ra, ông còn làm cố vấn cho Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Có lần ông được “đề nghị” vị trí “chuyên gia” toàn thời gian với lương tháng có thể lên tới 150 triệu đồng. Tuy nhiên khi Chánh Văn phòng Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đem Hợp đồng Lao động và hóa đơn thanh toán 6 tháng lương, ông hơi bất ngờ vì không hề được hỏi ý kiến trước. Ông đã từ chối không ký tên vào hợp đồng lao động vì chủ trương chỉ là làm Cố vấn thiện nguyện. Khu CNC đã phải làm thủ tục hoàn trả số tiền nói trên cho thành phố. Năm 2005, ông đã đề xuất thiết lập và làm cố vấn cho Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC). Khi mới thành lập (8/2005), trung tâm đối mặt với rất nhiều khó khăn: kinh phí hạn chế, lương bổng của kỹ sư thấp, không có đầy đủ công cụ, thiết bị hỗ trợ thiết kế vi mạch. Nhờ sự thuyết phục của ông mà công ty Synopsys đồng ý cho ICDREC sử dụng thử gói phần mềm hỗ trợ thiết kế của họ trong vòng 1 năm. Nhờ có một năm được cung cấp miễn phí công cụ thiết kế này ICDREC đã thiết kế được con chip đầu tiên, một con vi điều khiển 8 bít đặt tên là SIGMAK 3. Từ đó mỗi năm ICDREC đều đưa ra một con chíp mới. Đó là những tiền đề quan trọng để năm 2011, ICDREC được Nhà nước tài trợ gói hỗ trợ 7 triệu USD. Từ đó ICDREC mới đi vào quỹ đạo hoạt động tương đối ổn định. Vào năm 2016, khi đã bước vào tuổi 80, ông vẫn đứng ra làm người chủ trì một hội nghị quốc tế do ICDREC tổ chức liên tục suốt 3 ngày. Sau ba ngày làm việc liên tục với hơn 50 bài tham luận, luận văn nghiên cứu, đến ngày thứ 4, ông bước vào taxi định đến ICDREC bỗng nhiên thấy trong người khó chịu. Khi được người nhà đưa đến bệnh viện, thì Chủ nhiệm Khoa tim mạch, Bệnh viện 175, cho biết: ông bị nhồi máu cơ tim cấp và nặng phải phẫu thuật gấp. Cuộc phẫu thuật may mắn thành công hơn mong đợi nên ông đã qua cơn thập tử nhất sinh. Trong nỗ lực đem lại những điều tốt đẹp cho quê mẹ, những chuyến đi về Việt Nam để xúc tiến cho các dự án Việt Nam được phía Nhật tài trợ, ông tìm được hạnh phúc của riêng mình. Người bạn đời Trần Thị Ánh Xuân chính là lý do lớn nhất để ông quyết định sẽ về hẳn Việt Nam khi nghỉ hưu. |
|
Bài: Thu Ba Đồ họa: Tào Đạt
|