GNI trao 5.000 cuốn sách phát triển văn hoá đọc cho học sinh Hà Giang
Với mong muốn giúp trẻ em được có đầy đủ sách giáo khoa, được tiếp cận với sách và tài liệu chất lượng, đồng thời thêm vòng đời mới cho sách, truyện đã qua sử dụng; GNI kết hợp với dự án SOMR phát động chiến dịch “Sách bay 2023: Để sách hay đến tay người đọc” kêu gọi những nhà hảo tâm quyên góp sách.
Sau gần 2 tháng phát động, chiến dịch đã kêu gọi được hơn 8.300 cuốn sách, 141 bộ đồ dùng học tập và hơn 21,6 triệu đồng. Số tiền mặt đã được Ban tổ chức chiến dịch mua thêm sách mới và gửi sách về cho 6 trường vào ngày 28/8/2023. Các trường nhận được sách/đồ dùng học tập gồm gồm: TH&THCS Bản Rịa, TH Bằng Lang, trường THCS Yên Thành (Quang Bình, Hà Giang); TH&THCS Bắc Sơn,THCS Do Nhân (Tân Lạc, Hòa Bình); TH Đồng Quý (Sơn Dương, Tuyên Quang) và THPT Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Trao tặng hơn 5.000 cuốn sách cho trường TH&THCS Bản Rịa, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. |
Không chỉ trao tặng sách cho các em học sinh tại trường TH&THCS Bản Rịa, dự án SOMR còn tổ chức các hoạt động giao lưu về văn hóa và tổ chức các hoạt động đọc sách dành cho các em học sinh. Những làn điệu truyền thống, những trò trơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, đá yến, đá lẹ, cà kheo đã được các em học sinh giới thiệu đến các thành viên của dự án Sách ơi mở ra.
Đáp lại sự nhiệt tình tiếp đón của các em, các thầy/cô đến từ dự án SOMR cũng có những hoạt động kết hợp vừa học vừa chơi theo từng độ tuổi, nhằm hướng đến việc phát triển văn hóa đọc tại trường. Bên cạnh đó, đoàn dự án SOMR cũng có thời gian làm việc và trao đổi với đội ngũ giáo viên trường TH&THCS Bản Rịa về việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý thư viện cũng như tổ chức hoạt động đọc sách tại trường.
“Khi tiếp xúc với giáo viên, học sinh, người dân bản địa, thưởng thức các bài hát, điệu múa, các món ăn địa phương, tôi đã học hỏi được rất nhiều về đời sống của người dân Bản Rịa, những tri thức tôi không thể học được từ sách vở. Tôi hiểu thêm về thực tiễn giáo dục và những khó khăn của các thầy cô, học sinh, đặc biệt khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tôi cũng được cảm nhận bầu không khí tinh thần phóng khoáng, chất phác của người dân và cảm nhận nét đẹp của văn hóa địa phương. Tất cả những trải nghiệm đó thực sự là những trải nghiệm rất quý giá mà tôi rất khó có được nếu không có chuyến đi này", Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng sáng lập dự án Sách ơi mở ra chia sẻ khi tham gia chương trình.
GNI và các nhà bảo tâm hy vọng đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. |
Với nguồn sách và tài liệu phong phú được trao tặng, GNI và các nhà bảo tâm hy vọng góp phần giảm bớt khó khăn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và tăng cơ hội tiếp cận với nền giáo dục chất lượng hơn cho các em học sinh.
“Buổi giao lưu ngày hôm nay không chỉ giúp các em học sinh có cơ hội tham gia các hoạt động đọc sách với phương pháp kết hợp vừa học vừa chơi, mà còn tạo điều kiện cho các thầy cô giáo tại trường có dịp học hỏi về phương pháp tổ chức các hoạt động đọc sách cùng với học sinh. Thay mặt cho Ban giám hiệu nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn tổ chức GNI và các thầy cô giáo đến từ dự án Sách ơi mở ra đã không ngại đường xa đến đây với thầy và trò trường chúng tôi. Đặc biệt, những cuốn sách được GNI và dự án Sách ơi mở ra trao tặng đã tiếp thêm động lực, niềm vui khi các em đến trường", cô Hoàng Thị Xuyến, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú TH&THCS Bản Rịa chia sẻ.
Dự án “Exchange for change” hướng đến việc truyền cảm hứng cho người người dân địa phương và các nhóm tình nguyện để phát triển bản thân và giải quyết các vấn đề cấp thiết trong cộng đồng thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu học hỏi, trong đó GNI đóng vai trò kết nối và tổ chức. Ngoài mô hình giao lưu phát triển văn hóa đọc tại Quang Bình đã được tổ chức, trong thời gian tới GNI dự kiến sẽ tổ chức hai hoạt động giao lưu liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế tại Tuyên Quang và Hòa Bình. |