Giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài
Tiếng Việt là sợi dây kết nối văn hóa nguồn cội
Trong chương trình Không gian Văn hóa Việt tại CHLB Đức lần thứ 10 được tổ chức vào đầu tháng 8/2022, những bài hát mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa Việt Nam được các cháu nhỏ 6, 7 tuổi biểu diễn. Ông Lê Xuân Đính, Trưởng ban tổ chức chương trình Không gian Văn hóa Việt cho biết các cháu nhỏ là thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Đức nhưng có thể nói, hát "sõi" tiếng Việt
Có được điều này là nhờ cộng đồng người Việt ở CHLB Đức luôn ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Từ nhiều năm nay, tại nhiều thành phố ở Đức nơi có cộng đồng người Việt sinh sống như Berlin, Dresden, Leipzig, Magdeburg... các hội đoàn người Việt đã tổ chức nhiều lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào với các giáo viên người Việt đảm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, không có thù lao. Trong khi đó, tại bang Berlin, Brandenburg hay Sachsen, tiếng Việt được đưa vào giảng dạy tại các trường như ngoại ngữ tự chọn và giáo viên người Việt tham gia giảng dạy được chính quyền bang trả lương theo số giờ đứng lớp.
Một tiết học của cô trò trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Warszawa, Ba Lan (Ảnh: Triều Nguyễn). |
Cùng chung mong muốn giữ gìn và phát huy tiếng Việt, cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng thường xuyên mở các lớp dạy và học tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba.
Tại thủ đô Warszawa của Ba Lan, trường Tiếng Việt Lạc Long Quân đã gắn liền với nhiều thế hệ người Việt Nam tại Đông Âu. Cách đây hơn 20 năm, ngôi trường này được thành lập với mong muốn để con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, thời gian đầu mới thành lập, trường chỉ có khoảng vài chục học sinh, đến nay, mỗi năm đã có khoảng 180 học sinh người Việt trong độ tuổi từ 6-14 tham gia học tiếng Việt.
Từ năm 2018, trường đã hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng có tên gọi “Em học tiếng Việt” trên cơ sở tham khảo từ các bộ sách trong nước để phù hợp với học sinh. Đặc biệt, trong mùa Covid-19, các thầy cô công phu biên soạn giáo án online trên nền tảng E-learning Moodle phục vụ công tác giảng dạy trực tuyến.
“Sau hơn 20 năm thành lập, nhà trường đã có được được một đội ngũ giáo viên và ban lãnh đạo nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, có kinh nghiệm tổ chức, quản lý việc dạy và học tiếng Việt. Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong giáo dục thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, các phụ huynh, các tổ chức Hội đoàn, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn tạo điều kiện giữ gìn tiếng Việt, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt nơi xa xứ”, bà Nguyễn Việt Triều cho biết.
Tại Australia, tiếng Việt là một trong 4 ngôn ngữ được nói nhiều nhất ngoài tiếng Anh ở quốc gia này. Chính phủ Australia đã có nhiều hình thức hỗ trợ giúp cộng đồng người Việt Nam duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ, bao gồm hệ thống các trường dạy tiếng Việt cộng đồng, với thời gian dạy và học thường là một tuần một buổi.
Bởi gia đình là yếu tố then chốt trong việc lưu giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, TS Trần Hồng Vân (Đại học Charles Sturt, Australia) đã quyết định phụ trách chương trình “Cùng giữ tiếng Việt” được phát hàng tuần trên đài SBS tiếng Việt từ tháng 10/2021. Chương trình này được thiết kế nhằm cung cấp cho các gia đình người Việt ở Australia và cả các nước khác thông tin về phương pháp dạy tiếng Việt cho các con cũng như lợi ích của việc học tiếng Việt.
Đặc biệt, chương trình thường giới thiệu về tấm gương của các cháu thế hệ thứ hai ở Australia nói tiếng Việt tốt, tham gia các hoạt động giúp ích cộng đồng và gắn kết với quê hương Việt Nam. Ngoài ra, chương trình cũng lồng ghép nội dung về vẻ đẹp, sự đặc sắc của tiếng Việt, để người nghe biết và thêm yêu tiếng Việt.
Giữ gìn ngôn ngữ, giữ gìn văn hóa
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới, điển hình như Hoa Kỳ (với khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt), Thái Lan (tổ chức 39 lớp học), Campuchia (thành lập 33 điểm trường, lớp), Lào (với 13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt)…
Ông Lương Thanh Nghị, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch cho biết, ngôn ngữ là bộ phận không thể tách rời trong văn hóa của mỗi quốc gia. Vì vậy, duy trì được tiếng Việt là duy trì được bản sắc văn hóa ở bên ngoài.
Từ năm 2013 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào. Đến nay, đã có gần 400 lượt giáo viên tham gia và hoàn thành các khóa tập huấn cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Ủy ban cũng tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, học liệu với tổng số hơn 70.000 cuốn sách giáo khoa cấp I, bộ sách “Tiếng Việt vui”, “Quê Việt”, truyện tranh lịch sử và dân gian cho thiếu nhi, cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào Việt Nam ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Xác định tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt, ngày 3/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030".
Đề án được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về vẻ đẹp, giá trị và đánh giá nhu cầu sử dụng tiếng Việt. Ngoài ra, động viên, khuyến khích, tôn vinh các cá nhân, tổ chức đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt; tiếp tục sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp sinh hoạt và cũng như lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.
Theo đề án, hàng năm Ngày Tôn vinh tiếng Việt (8/9) sẽ được tổ chức để nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam...