Giới an ninh Mỹ bất ngờ vì nội dung bị bỏ trong phát biểu quan trọng của ông Trump ở NATO
Động thái bất ngờ
Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump vấp phải chỉ trích sau khi ông không tuyên bố ủng hộ Điều 5 thuộc tài liệu sáng lập của NATO khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh NATO tại Brussels, Bỉ.
Nhưng dường như động thái này của ông Trump đã vô tình "đánh úp" chính cơ quan an ninh quốc gia Mỹ - theo tờ Business Insider.
Điều 5 của tài liệu quy định rằng, bất cứ hành vi tấn công một nước thành viên đều là hành vi tấn công toàn bộ liên minh. Điều 5 lần đầu được viện dẫn nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Năm nguồn tin trả lời Politico vào thứ Hai (5/6) rằng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã làm việc với ông Trump về bài phát biểu trong suốt nhiều tuần, và liên tục nhấn mạnh rằng Điều 5 cần phải được nhắc tới sau khi duyệt một số bản thảo.
Trong khi đó, những nhân sự cấp dưới thuộc cơ quan an ninh quốc gia lại hoàn toàn không hay biết gì, theo thông tin từ Politico.
"Tất cả mọi người đã cùng soạn thảo một bài phát biểu khác" - nhưng đó không phải là diễn văn ông Trump đã trình bày trước NATO, một quan chức Nhà Trắng trả lời Politico.
Một nguồn tin thuộc cơ quan an ninh quốc gia cho biết, "[nhóm soạn thảo] không hề biết Điều 5 đã bị gạch khỏi bài diễn văn."
Người này cho hay, "Chỉ đến lúc diễn văn được đọc lên thì mọi chuyện mới sáng tỏ."
Trong diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống khẳng định Mỹ sẽ "không bao giờ bỏ mặc những người bạn đã kề vai sát cánh bên chúng tôi" sau vụ khủng bố 11/9. Nhưng ông không nhắc đến Điều 5 - một động thái đi ngược lại với mọi Tổng thống Mỹ kể từ thời Harry Truman khi phát biểu ngoài trụ sở NATO.
Thay vào đó, bài phát biểu của ông Trump chủ yếu xoay quanh việc nhắc nhở đại diện gần 24 nước thành viên NATO vì đã không hoàn thành "nghĩa vụ" tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hiện chưa rõ có phải ông Trump đã tự mình gạch bỏ Điều 5 ra khỏi bài phát biểu, hay cố vấn Steve Bannon và Stephen Miller - cả hai đều giữ quan điểm hoài nghi sâu sắc về NATO - đã gây ảnh hưởng để ông gạch bỏ Điều 5.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Michael Anton không bác bỏ thông tin trên, và trả lời Politico rằng bản thân sự hiện diện của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh chính là động thái bày tỏ sự ủng hộ với Điều 5.
Có lợi cho Nga?
Việc Tổng thống Trump cố tình bỏ qua Điều 5 đã khiến quan chức và cựu quan chức NATO lo ngại, và nhiều người dự đoán rằng có thể Tổng thống Nga Putin sẽ hết sức vui mừng.
Nicholas Burns, đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết, ông Trump đã "mắc sai lầm lớn" khi không khẳng định "một cách công khai và cụ thể" về cam kết với Điều 5 của Mỹ đối với NATO.
"Tôi là đại sứ Mỹ tại NATO vào thời điểm vụ khủng bố 11/9 xảy ra, và tôi vẫn hàm ơn các đồng minh châu Âu và Canada vì sự giúp đỡ không vụ lợi của họ cho Mỹ," ông Burns nói.
Mark Kramer, giám đốc chương trình tại Trung tâm Davis nghiên cứu Nga và Á - Âu thuộc Đại học Harvard, thì cho rằng Mỹ đang giúp Nga đạt mục tiêu theo đuổi trong 15 năm qua, đó là làm suy giảm ảnh hưởng của NATO.
Kramer nhận xét, các quan chức thân cận ông Trump như Mattis hay McMaster rất ủng hộ NATO, nhưng Tổng thống có quan điểm khác.
"Tổng thống Trump khen ngợi Saudi Arabia nhưng lại chỉ trích với các đồng minh tại NATO," Kramer nói.
Linh Nguyễn