Giảm số lượng giấy tờ tùy thân, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Thủ tục hành chính cũ mang tính thủ công gây phiền hà cho người dân, lãng phí lớn cho xã hội
Thủ tục hành chính tạo ra gánh nặng cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành có khoảng gần 1.600 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an), điều này đã tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỷ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính.
Kết quả khảo sát của C72 cũng cho thấy sự biến động về dân cư là hết sức phức tạp và khó quản lý. Hiện nay, Việt Nam chưa có một hệ thống quản lý dân cư quy mô toàn quốc. Mặc dù một số tỉnh, thành đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý dân cư như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh... nhưng các hệ thống này chưa hoàn chỉnh, khó khăn khi đưa vào sử dụng trên quy mô toàn tỉnh, thành.
Xuất phát từ thực tiễn này, Chính phủ đã giao Bộ Công an triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua thiết bị công nghệ thông tin. Đây là phương pháp đang được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới (như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Hà Lan, Singapore…) sử dụng.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 896 phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ 1/1/2016), quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản nhất của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP, trong đó, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Giải quyết thủ tục hành chính với một số định danh cá nhân duy nhất
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), dự án hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai xây dựng sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, và trước mắt là quản lý, cung cấp các thông tin cơ bản về người dân một cách chính xác, nhất quán thông qua một số định danh cá nhân duy nhất, đồng thời, tiến tới việc cắt giảm số lượng giấy tờ tùy thân mà người dân phải tự quản lý bằng một thẻ căn cước công dân thống nhất.
"Sau khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chỉ với duy nhất thẻ Căn cước công dân, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính, thay vì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ, sao y, công chứng như hiện nay," Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết.
Sử dụng thẻ căn cước công dân để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào khai thác, sử dụng, số liệu có tính cập nhật từ cơ sở dữ liệu này giúp cho công tác thống kê, hoạch định xây dựng chính sách, cơ chế và kế hoạch phát triển hằng năm được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng tình hình thực tế của trong nước và quốc tế.
Trung tướng Vệ cho biết thêm hiện nay việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương nhưng từ ngày 1/1/2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc. Lúc đó, có những người dân đang dùng chứng minh nhân dân vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay sang thẻ căn cước công dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao Bộ Công an triển khai, xây dựng từ năm 2012. Hệ thống dữ liệu này phấn đấu trong vòng 2-3 năm tới sẽ hoàn thành.
Tuệ Lâm (t/h)