World Vision Việt Nam: góp phần chấm dứt và bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bạo lực
Bạo lực để... khẳng định bản thân
Tọa đàm đem lại góc nhìn đa chiều về vấn đề bạo lực trong trường học, đồng thời gợi mở những phương thức phối hợp, đồng hành cùng nhau giữa thầy cô giáo và cha mẹ/người chăm sóc trẻ, góp phần chấm dứt và bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bạo lực.
Tham gia tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận - chuyên gia tâm - sinh lý trẻ em thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Duy Nhiên - chuyên gia giáo dục kỹ năng sống; cô Đào Thị Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lạc Viên, Hải Phòng; Youtuber Bố con Sâu Lê Xuân Đức và MC Minh Trang.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh chụp màn hình |
Tại buổi tọa đàm, các khách mời cùng thống nhất quan điểm, nguyên nhân cơ bản dẫn bạo lực trong trường học là do: tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì; ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội với việc các video bạo lực được phát tán tràn lan; tấm gương của cha mẹ và sự thiếu kỹ năng của thầy cô trong việc định hướng, hỗ trợ trẻ em kịp thời.
Với gần 30 năm giảng dạy, từ kinh nghiệm tương tác với học sinh, cô Đào Thị Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lạc Viên, Hải Phòng cho biết, cô đã chứng kiến một số vụ học sinh xích mích, bạo lực với nhau và khi giải quyết các vụ việc cô nhận thấy những học sinh thích bạo lực với bạn khác thường có trạng thái tâm lý dễ kích động, khó kiềm chế cảm xúc và hầu như các em sinh ra trong các gia đình bố mẹ bạo lực với nhau và với con cái, hoặc chính các em đã từng bị bắt nạt.
"Tôi đã gặp một số trường hợp phải giải quyết, khi tìm hiểu nguyên nhân thì được biết trong gia đình không ai đánh các em nhưng các em đã từng bị bắt nạt dẫn đến các em sẵn sàng đi bắt nạt người khác để khẳng định bản thân, cái tôi của mình. Đối với các học sinh này, tôi cho rằng cần có chuyên gia tâm lý đồng hành cùng các em", cô Dương bày tỏ.
Chia sẻ với ý kiến của cô Dương, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Thuận nhấn mạnh yếu tố chủ quan của học sinh rất cần được khám phá và thấu hiểu. Các em học sinh đang trải qua thời kỳ phát triển về tâm sinh lý và chính bởi sự chưa hoàn thiện khiến tâm sinh lý các em chưa ổn định, dễ vui, buồn, cáu giận nhưng cũng có thể qua đi rất nhanh. Sự không ổn định dễ dẫn đến việc các em khó kiểm soát cảm xúc của mình. Nhận thức của các em cũng chưa đầy đủ, chưa thật sự biết chấp nhận hay khó bỏ qua, đồng thời các em không hình dung hết hệ lụy việc làm của mình.
Đáng lưu ý, ở độ tuổi này, các em đang muốn khẳng định vai trò, vị thế, giá trị của bản thân nhưng cách lựa chọn lại chưa phù hợp, các kỹ năng để giải quyết vấn đề cũng chưa đầy đủ, còn ít kinh nghiệm nên chưa tìm ra cách giải quyết hiệu quả.
Khi suy ngẫm lại trải nghiệm của bản thân trong quá khứ liên quan tới bạo lực trong trường học, youtuber Lê Xuân Đức chia sẻ, áp lực về việc vị bắt nạt tại trường học đối với học sinh là vô cùng lớn, khiến trẻ cảm thấy bế tắc, bất an và lo sợ triền miên, dẫn đến việc mất tập trung trong việc học tập. Những trải nghiệm này sẽ hằn sâu vào tâm trí và ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của trẻ.
Anh Đức cho rằng, sự liên kết mật thiết, tin cậy từ khi còn nhỏ giữa cha mẹ và con trẻ là vô cùng quan trọng. Khi là người bạn đồng hành của con từ những năm tháng đầu đời, cha mẹ có thể thấu hiểu, kịp thời hỗ trợ, và định hướng cho trẻ để trẻ có cái nhìn đúng đắn, từ đó, có thái độ, hành động phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Duy Nhiên nhận định, bạo lực học đường ngày càng phổ biến hơn, đang dần trở thành một vấn nạn xã hội. Vì thế, cơ chế hợp tác, trao đổi thường nhật giữa cha mẹ và thầy cô giáo ngày càng trở nên cần thiết, quan trọng hơn. Tuy nhiên, khi hỗ trợ xử lý các tình huống bạo lực, việc giữ một "cái đầu lạnh" và tinh thần trung lập để khách quan phân tích vấn đề sẽ quyết định cách ứng xử của cha mẹ, giúp giải quyết vấn đề bạo lực một cách tích cực.
Làm bạn với con
PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận dẫn một nghiên cứu do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Plan International tại Việt Nam thực hiện cho biết, khi trẻ được hỏi về việc sẽ chia sẻ, báo cáo với ai nếu có trải nghiệm bạo lực trong trường học (nếu trực tiếp tham gia, là nạn nhân, hoặc chứng kiến), chỉ 10,42% trẻ tham gia khảo sát lựa chọn báo cáo lên Ban Giám hiệu nhà trường, chỉ 7,73% lựa chọn báo cáo cho thầy cô giáo, 18,85% lựa chọn chia sẻ với cha mẹ. Bạn bè là nhóm được ghi nhận là sẽ được chia sẻ nhiều nhất: 26,62% trẻ tham gia khảo sát sẽ chia sẻ với bạn bè. Còn lại 51,53% lựa chọn im lặng, không báo cáo.
Các khách nhận định, việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực, ngôn ngữ tích cực trong gia đình và trường học là tiền đề để hai bên phối hợp, đồng hành cùng nhau hiệu quả, giúp tạo sự đồng bộ, thống nhất trong môi trường sinh sống và học tập của trẻ.
PGS.TS Nguyễn Duy Nhiên khẳng định: "Không bao giờ là quá muộn để làm bạn cùng con. Cha mẹ luôn có thể tiếp cận con dựa trên những trải nghiệm và nhu cầu của con vào thời điểm đó, ví dụ: phương pháp học tập, giới tính, nghề nghiệp, các mối quan hệ".
Cùng với đó, việc chủ động chia sẻ, bộc bạch cùng con cũng là một phương pháp tự nhiên và hữu hiệu để tạo kết nối với con trẻ, từ đó gợi mở chia sẻ, tâm tư để con chia sẻ một cách chủ động, không gượng ép.
Youtuber Lê Xuân Đức đưa ra một gợi ý để phòng tránh bạo lực trong trường học là tạo cho con những mối quan tâm nhân văn khác bên cạnh việc học hành như âm nhạc, hội hoạ, thể thao. Bên cạnh đó, việc trang bị cho con nền tảng kỹ năng để tự bảo vệ mình (ví dụ: võ thuật) cũng đóng góp tích cực trong việc giảm thiểu nguy cơ bạo lực đối với trẻ em trong trường học.
Một kinh nghiệm hay của trường THCS Lạc Viên trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin về bạo lực học đường được cô Đào Thị Thùy Dương chia sẻ tại tọa đàm, đó là nhà trường xây dựng hòm thư để các em góp ý vào đó.
"Chúng tôi nhận được tin nhắn của các em trên facebook của nhà trường. Các em thường gửi tin nhắn riêng cho thầy cô và thầy cô giữ bí mật cho các em", cô Dương nói về cách bảo vệ "người đưa tin".
Sáng kiến "Lớp học vui/Hope in Class" hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường an toàn và yêu thương trong trường học thông qua việc cải thiện năng lực thể hiện hành vi của trẻ, cũng như tăng cường sự phối hợp và tham gia giữa các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục, thầy cô giáo và cha mẹ/người chăm sóc trẻ trong quá trình nuôi dạy trẻ và giải quyết bạo lực. |