Giải quyết rủi ro cho lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việt Nam hiện có hơn 540.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Trao đổi trên báo chí, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 540.000 lao động làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm 30-50%. Nhưng còn một số lượng đáng kể những người lao động không chính thức được thống kê. Lao động đi làm việc ở nước là một hành trình nhọc nhằn, vất vả. Hơn một nửa lao động gặp khó khăn trong quá trình làm việc ở nước ngoài: Bị vi phạm quyền (40%); điều kiện làm việc không an toàn (17%); các vấn đề về lương (28,2%).
Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra rằng, hơn 2/3 số lao động di cư ra nước ngoài tập trung tại các nước có thu nhập cao. Cụ thể, có đến 63,8 triệu người (37,7%) làm việc tại châu Âu và Trung Á, 43,3 triệu người (25,6%) làm việc tại châu Mỹ…
Tuy nhiên, theo ILO, đại dịch Covid-19 khiến cho đối tượng lao động di cư bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với trước. Những người này bị trả lương thấp, làm những công việc đơn giản và ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ.
Để phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, trong đó phải kể đến Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (có hiệu lực từ ngày 21/2/2022) của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định này có quy định mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, cụ thể: Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài được nhận mức hỗ trợ từ 10-30 triệu đồng/trường hợp.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác được hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.
Người lao động phải về nước trước thời hạn do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ từ 7-20 triệu đồng/trường hợp.
Quỹ cũng hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, hỗ trợ 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí, tối đa 50 triệu đồng/vụ việc. Trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ việc.
Quỹ hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời cho người lao động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở. Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở cho người lao động.
Thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài được Quỹ hỗ trợ với mức 40 triệu đồng/trường hợp.
Người lao động phải về nước trước hạn trong các trường hợp trên có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.