Giải pháp kết nối Việt Nam - Brazil: khuyến nghị từ doanh nghiệp
Ông Trương Tường Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành Nam Cường:
Tăng cường giới thiệu đất nước, con người Việt Nam bằng tiếng Bồ Đào Nha
Ông Trương Tường Lân, Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành Nam Cường. (Ảnh Đinh Hòa) |
Chúng tôi gặp nhiều thách thức khi mở rộng hoạt động tại thị trường Nam Mỹ, nhất là Brazil. Khoảng cách địa lý xa xôi gây trở ngại cho việc kết nối và làm tăng chi phí vận chuyển. Thông tin về Việt Nam chưa được truyền thông mạnh mẽ, gây khó khăn cho hợp tác. Ngôn ngữ cũng là rào cản lớn vì ít người Việt thông thạo tiếng Bồ Đào Nha. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tương tác trực tiếp với đối tác Brazil và phải cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực.
Để khắc phục, chúng tôi đề xuất sớm mở đường bay thẳng hoặc chỉ có một điểm dừng giữa Việt Nam và Brazil. Cần chú trọng phát triển truyền thông bằng tiếng Bồ Đào Nha và tổ chức các sự kiện văn hóa như Ngày hội Việt Nam tại Brazil để giới thiệu đất nước và con người Việt Nam.
Chúng tôi đã quyết định đặt văn phòng đại diện tại Brazil và sử dụng nguồn nhân lực người Việt tại đây. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân sự có trình độ và biết tiếng Bồ Đào Nha vẫn là một thách thức lớn.
Chúng tôi cũng dự định mời các đoàn khảo sát du lịch từ Brazil sang Việt Nam để tìm hiểu và mở rộng thị trường, hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Ông Nguyễn Kim Thái, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu One Material:
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Brazil
Ông Nguyễn Kim Thái (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu One Material gặp gỡ đại diện một doanh nghiệp Nam Mỹ tại nhà máy tái chế phế liệu kim loại ở Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Công ty TNHH Sản xuất và Xuất khẩu One Material hiện đang xuất khẩu nông sản như cây thạch đen, chế phẩm từ cây thạch đen và nhập khẩu thực phẩm bao gồm thịt bò, thịt lợn, và gà. Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường sang Nam Mỹ, đặc biệt là Venezuela và Brazil. Để thực hiện điều này, chúng tôi đã hợp tác với đại sứ quán và các đối tác địa phương, đồng thời dự định thực hiện một chuyến công tác khảo sát thị trường và gặp gỡ các đối tác tiềm năng.
Ngoài hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm, chúng tôi cũng nhập khẩu nguyên liệu như sắt, nhôm để tái chế. Hiện tại, chúng tôi chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Để đa dạng nguồn cung cấp và đáp ứng nhu cầu lớn hơn trong tương lai, chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung mới từ Nam Mỹ.
Một thách thức lớn khi vào thị trường Nam Mỹ là thiếu các kênh tra cứu thông tin chính thống về doanh nghiệp tại nước sở tại, dẫn đến nguy cơ gặp phải đối tác không uy tín. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ đại sứ quán và thương vụ Việt Nam để kết nối doanh nghiệp và chia sẻ thông tin. Chúng tôi khuyến nghị liên kết và thuê chung một văn phòng luật sư tại nước sở tại để giải quyết các thủ tục pháp lý và tiếp cận thông tin chính xác.
Chúng tôi mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước trong việc xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp. Có thông tin rõ ràng về các kênh doanh nghiệp, ngành hàng và nhu cầu của từng thị trường sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc gặp gỡ và thỏa thuận.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản và tìm kiếm nguồn nguyên liệu tái chế mới. Sự kết nối và hỗ trợ từ các cơ quan đại sứ quán và thương vụ là rất quan trọng để đạt được các mục tiêu này.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Giang:
Còn nhiều tiềm năng hợp tác nông, lâm nghiệp
Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích từ việc hợp tác với Brazil trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp. Brazil có kinh nghiệm phong phú trong quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt là các biện pháp chống phá rừng, mà Việt Nam cần học hỏi để bảo vệ tài nguyên rừng của mình.
Người dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều. (Ảnh: Báo VnExpress) |
Brazil cũng sở hữu nhiều giống cây trồng chất lượng cao, phù hợp với khí hậu và có khả năng chống chịu sâu bệnh. Điều này rất quan trọng cho việc cải thiện giống cây trong nước. Ví dụ, Brazil đã thành công trong việc phát triển cà phê, trong khi Việt Nam, với thế mạnh về vải thiều tại Bắc Giang, đang gặp khó khăn trong bảo quản và chế biến. Chúng ta có thể học hỏi các kỹ thuật từ Brazil để cải thiện quy trình này. Tương tự, cây chuối, với tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam, cũng có thể được khai thác tối đa nhờ kinh nghiệm của Brazil.
Việc số hóa sản phẩm nông nghiệp và đưa chúng lên nền tảng số là một yếu tố quan trọng để tăng cường tiêu thụ và tiếp cận thị trường. Trong lĩnh vực chăn nuôi, kinh nghiệm của Brazil trong việc phát triển đàn bò sẽ là một nguồn tài nguyên quý giá cho Việt Nam.
Mục tiêu của chúng ta là thay đổi tư duy và phương pháp làm nông truyền thống của nông dân, đồng thời ứng dụng công nghệ cao và phương pháp hữu cơ. Sự hợp tác với Brazil không chỉ giúp chúng ta cập nhật các kỹ thuật khoa học hiện đại mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững trong nông nghiệp.
Tọa đàm quốc tế "Giải pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil trong bối cảnh mới" do Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam tổ chức vào ngày 2/8 tại Hà Nội. Tọa đàm tập trung làm rõ thực trạng quan hệ giữa Việt Nam và Brazil trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chỉ ra những thành tựu hai bên đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục. Đồng thời đề cập đến một số nội dung hai bên quan tâm, mong muốn hợp tác, phát triển trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất một số giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Brazil trong bối cảnh mới. |