Giá xăng dầu "hạ nhiệt": Ngư dân tất bật vươn khơi
Ngư dân khốn đốn vì giá dầu tăng kỷ lục Giá xăng dầu liên tục “leo thang” khiến nhiều ngư dân Đà Nẵng vô cùng lo lắng vì tăng thêm chi phí, trong khi nghề biển nhiều bấp bênh, nhiều tàu cá đành chấp nhận nằm bờ. |
Ngư dân vượt khó, vươn khơi bám biển Nửa đầu năm 2022, do giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo cơn "bão giá" của nhiều mặt hàng thiết yếu khác, ngành khai thác thủy, hải sản là một trong những lĩnh vực bị tổn thương đầu tiên. |
Nhộn nhịp các cảng cá
Tại các cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Tam Quan Bắc, Đề Gi, Quy Nhơn (Bình Định) trở vào Phú Yên, khung cảnh vươn khơi của những con tàu bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Những ngày đầu tháng 8, tại cửa biển cảng Quy Nhơn, hàng trăm tàu cá từ các hướng biển Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà Giàn DK1 ùn ùn đổ về, tất bật bán cá cho thương lái. Trong khi đó, những con tàu từ cửa biển cũng đang tiếp thêm đá lạnh, lương thực, thực phẩm và dầu để tranh thủ vươn khơi.
Tàu cá vỏ thép số hiệu NA 98699 TS (1.200CV) của ngư dân Nguyễn Văn Mười (46 tuổi, quê ở thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) vừa hoàn thành chuyến đánh bắt dài ngày ở biển Hoàng Sa trở về cảng Quy Nhơn để bán 40 tấn mực, 10 tấn cá ù. Ông Mười chia sẻ: “Nhiều tháng qua do giá dầu tăng quá cao nên ngư dân chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Tàu tôi ra khơi phải đổ 15.000 lít dầu, giá tháng trước 27.000-30.000 đồng/lít, nên tổng tiền dầu gần 300 triệu đồng. Rất may, chuyến biển vừa rồi bội thu, lãi được 300 triệu đồng”.
Bên khu vực neo đậu tàu cá của ông Mười, tàu hành nghề lưới cá bò, cá ngừ sọc dưa số hiệu BĐ 91015 TS (700CV) do ngư dân Chương Văn Thành (43 tuổi, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) làm chủ cũng đang chuẩn bị tiếp nhiên liệu, lương thực, đá lạnh vươn khơi. “Cũng may giá dầu giảm xuống, nếu còn tăng thì tàu tôi chắc phải nằm bờ, vì mấy tháng rày cầm cự đánh bắt vô cùng khó khăn. Hiện, trên biển đang vào vụ cá ngừ sọc dưa nên chúng tôi tranh thủ tiếp dầu để vươn khơi”, ngư dân Thành vui mừng nói.
Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu vận chuyển nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. |
Tại các cảng cá lớn của tỉnh Bình Thuận, nơi được đánh giá là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, không khí tàu thuyền ra vào bến cũng vô cùng tấp nập. Ông Trần Thanh Nhàn (ngụ TP Phan Thiết) đang cùng khoảng gần 20 bạn thuyền tất bật chuẩn bị nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra khơi đánh bắt xa bờ, cho biết: “Với ngư dân, xăng dầu chiếm từ 60%-70% chi phí mỗi chuyến biển, nên việc giá dầu giảm mạnh, đồng nghĩa với việc sẽ tiết kiệm được vài chục triệu đồng”.
Tỉnh Bình Thuận hiện có trên 7.500 tàu cá, trong đó gần 2.000 tàu cá dài 15m trở lên khai thác vùng biển xa bờ. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng cao, khoảng 1.200 tàu cá địa phương phải nằm bờ, ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Thời tiết trên biển thuận lợi, nguồn hải sản dồi dào, cộng với việc giá xăng dầu giảm đúng vào chính vụ cá Nam, mùa đánh bắt chính trong năm, nên bà con ngư dân vươn khơi đều có thu nhập ổn định”.
Còn tại cảng cá Đông Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) và cảng cá Đông Hải (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), hàng trăm ngư dân hồ hởi ra khơi vì vụ cá Nam đang vào cao điểm, nghề khai thác cá cơm và cá ngừ đại dương cũng đang rất hiệu quả. Ông Nguyễn Thế Anh (ngụ TP Phan Rang - Tháp Chàm) phấn khởi: “Vừa rồi, chỉ vài ngày ra khơi, tôi và bạn thuyền đánh bắt được gần chục tấn cá cơm, trừ chi phí vẫn có lời gần 60 triệu đồng. Nếu như thời điểm giá xăng dầu lên cao thì sẽ không có lợi nhuận này”.
Mong giá nhiêu liệu giảm thêm
Ghi nhận tại cảng cá Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu), một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam bộ, từ hàng trăm tàu cá trong và ngoài tỉnh phải neo bến thời gian qua, nay con số này chỉ còn vài chục chiếc. Ngư dân Lê Hoàng Thủy, chủ của cặp tàu lưới vây hơn 600CV chia sẻ, năm trước, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài từ 2-3 tháng chỉ tốn 550-700 triệu đồng tiền dầu, thì năm nay chi phí nhiên liệu đã tăng trung bình 40%-50%, khiến tàu ông cũng như nhiều ngư dân khác phải nằm bờ hơn 2 tháng ròng. Giờ thì tàu ông đang nhanh chóng vươn khơi để bắt kịp vụ cá Nam.
Còn cảng cá Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), nơi tập trung nhiều tàu cá của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, không khí cũng không còn im ắng. Ông Nguyễn Bá Lộc, chủ của cặp tàu lưới rê hơn 580CV, cho biết, từ đầu năm đến nay, tàu của ông chỉ vươn khơi được 2 chuyến rồi phải nằm bờ gần 4 tháng ròng vì ảnh hưởng của giá xăng dầu. Tuy nhiên mấy ngày gần đây, giá xăng dầu xuống, ông quyết định sẽ cho tàu vươn khơi.
Tại cảng Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), khi giá nhiên liệu tăng đã có lúc đến 80%-90% tàu cá phải nằm bờ. Nhưng khoảng hơn chục ngày trở lại đây, tình trạng này đã không còn. Đại diện quản lý cảng cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 10%-15% tàu cá xuất bến vươn khơi. Hiện số lượng tàu nằm bờ chỉ còn trên dưới trăm chiếc do đang sửa chữa máy móc, ngư cụ. Cũng theo vị này, tuy giá xăng dầu đã giảm nhiều nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước, nên việc đánh bắt thủy hải sản vẫn cần được hỗ trợ từ các ngành chức năng để ngư dân yên tâm bám biển.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, toàn tỉnh có hơn 5.400 tàu cá, trong đó số tàu cá vươn khơi trở lại đến nay đạt trên 60% và tập trung ở một số loại tàu lưới vây, rê và câu. Số tàu nằm bờ còn lại chủ yếu là tàu giã cào, bởi mỗi chuyến vươn khơi của loại tàu này tốn rất nhiều nhiên liệu.
Ông Nguyễn Văn Phỉnh (ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết, tàu cá của ông vừa vào bờ được 2 ngày, sau khi trừ chi phí, tiền chia cho ngư phủ, thì còn lời gần 10 triệu đồng. “Như vậy đối với mỗi chuyến biển là không nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì cũng chấp nhận được. Vì nếu để tàu nằm bờ, ngư dân không có việc làm, không có tiền để chăm lo gia đình”, ông Phỉnh chia sẻ.
Vụ cá Nam từ tháng 5 đến hết tháng 10 là vụ khai thác chính trong năm của ngư dân ven biển vùng ĐBSCL. Vì vậy, giá dầu giảm đã tạo tâm lý phấn khởi cho ngư dân. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Bình (xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) nói: “Sau gần 2 tháng để tàu cá nằm bờ, giờ tôi đã đổ đầy dầu chuẩn bị ra khơi. Dân xứ biển nếu để tàu nằm bờ lâu sẽ không có gì mà ăn. Thêm nữa, nếu tàu nằm bờ lâu quá thì ngư dân đi hết, sau này nếu ra khơi rất khó tìm lại bạn tàu”.
Kiên Giang là địa phương có hơn 9.800 tàu cá, trong đó trên 3.890 tàu chiều dài hơn 15m. Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Đặc thù của tỉnh là có nhiều tàu hành nghề lưới kéo nên tiêu tốn nhiều nhiên liệu”. Theo các ngư dân, dù giá dầu có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, giá ngư lưới cụ cũng tăng, ngư trường dần cạn kiệt, giá hải sản thời gian qua không tăng nhiều, vì vậy hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn rất nhiều khó khăn và bấp bênh.
Ngày 7/8, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, sau chuyến đi biển 20 ngày, nhóm ngư dân trên địa bàn xã đã trúng đậm luồng cá nục, bán được hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt trúng lớn trong chuyến biển lần này là chủ tàu Phạm Tuyển, đánh bắt được 250 tấn cá nục, thu vào 2,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, ngư dân này lãi 1,8 tỷ đồng. Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, để hoạt động khai thác hiệu quả lâu dài, ngành nông nghiệp cần tích cực thực hiện dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển. Qua đó, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản, tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tái cấu trúc nghề theo hướng bền vững; xây dựng và quản lý tốt các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu cá để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất, tăng giá trị sản phẩm sau khai thác. |
Bão giá xăng dầu, ngư dân 'gác chèo, treo lưới' Khác hẳn mọi năm, không khí ở những âu thuyền thời điểm này vắng lặng hơn. Trên nét mặt của mỗi ngư dân hiện rõ nỗi lo lắng. Họ khó có thể ra khơi khi mà giá xăng ngày một tăng. Họ quay cuồng trong cơn bão giá xăng dầu. |
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân - điểm tựa cho ngư dân Bình Thuận vươn khơi, bám biển Những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo được phân công, Vùng 4 luôn phối hợp, gắn bó chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể và nhân dân các tỉnh ven biển, trong đó có tỉnh Bình Thuận, tích cực hỗ trợ, cứu nạn, giúp đỡ bà con ngư dân khai thác hải sản. |