Gia Lai triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng như nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về vị trí và tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa. Xác định ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Ngày hội cồng chiêng và hát dân ca thanh thiếu niên học sinh - ảnh tư liệu |
Việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa trên trường quốc tế sẽ giúp các địa phương, đối tác nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, góp phần phát triển hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị nhằm nâng cao vị thế của tỉnh Gia Lai. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, các tổ chức hữu nghị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa.
Các em học sinh biểu diễn nhạc cụ dân tộc - ảnh tư liệu |
Trong đó, mục tiêu cụ thể: Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa tỉnh Gia Lai với các địa phương, tổ chức khu vực và quốc tế; quảng bá các giá trị, văn hóa, hình ảnh, con người của tỉnh, chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân dược UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của tỉnh; xây dựng tỉnh trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và thúc đẩy xây dựng thương hiệu địa phương; bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận để vừa đóng góp bảo tồn giá trị truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp vào kho tàng văn hóa, trí thức của nhân loại.
Phát huy và gìn giữ nghệ dệt thổ cẩm - ảnh tư liệu |
Để đạt được các mục tiêu, Kế hoạch này đã đề ra những giải pháp đột phá như: Tăng cường nghiên cứu, tham mưu chính sách; cơ chế phối hợp, thực hiện; tăng cường nguồn lực; gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế; gắn kết ngoại giao văn hóa với địa phương, người dân, doanh nghiệp và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường thông tin, tuyên truyền. Các biện pháp cụ thể gồm: Thúc đẩy quan hệ, hợp tác, xây dựng lòng tin với các quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế; hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực quốc tế; quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh, con người địa phương, đất nước; vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế của tỉnh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.