Gắp mảnh xương dài 3 cm từ gốc ruột thừa bệnh nhân
Năm tháng trước, ông Nguyễn Huy Đ., 63 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị đau bụng vùng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục. Ông khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chẩn đoán viêm manh tràng, uống thuốc.Sau đó thỉnh thoảng bệnh nhân có những cơn đau tương tự, mức độ đau nhẹ hơn.
Ngày 8/5, ông đến khám tại Trung tâm nội soi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ nghi ngờ có dị vật trong đại trực tràng. Tại đây, các bác sĩ nội soi đại tràng, gắp một mảnh xương dài khoảng 3 cm sắc nhọn cắm ở gốc ruột thừa bệnh nhân.Người đàn ông cho biết không biết bị hóc xương lúc nào.
Sau nội soi, bệnh nhân hoàn toàn hết đau bụng, bụng mềm, ấn hố chậu phải không đau, ra viện vào ngày hôm sau.
Hình ảnh mảnh xương bệnh nhân bị hóc |
Các bác sĩ cho biết dị vật có thể tồn tại ở nhiều vị trí trong cơ thể như mũi, họng, hạ họng, thực quản, ruột, ruột thừa, đường hô hấp. Viêm nhiễm tái diễn ở một số bộ phận cơ thể là triệu chứng để chẩn đoán hóc dị vật. Nội soi là biện pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị trong những trường hợp này.
“Mảnh xương tồn tại và đi qua các cơ quan tiêu hóa trong cơ thể tôi đã gần 6 tháng nay, nhưng tôi hoàn toàn không biết mình hóc xương lúc nào”, ông Đ. cho biết.
Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn hết đau bụng, bụng mềm, ấn hố chậu phải không đau, đại tiện bình thường, không sốt, được xuất viện sau 2 ngày nội soi.
Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, xương cá, tăm xỉa răng là dị vật thường bị nuốt phải và có thể bệnh nhân không biết bị nuốt dị vật lúc nào. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và phẫu thuật sớm, để dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng.