Gặp gỡ gia đình Chủ tịch Souphanouvong ở xứ sở hoa Chăm pa
Đoàn đại biểu Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Lào và những người từng gắn bó, phục vụ Chủ tịch Souphanouvong và những người quản lý các công trình kỹ sư Souphanouvong thiết kế tại Việt Nam đã gặp mặt, trò chuyện thân mật với các thành viên trong gia đình Chủ tịch Souphanouvong |
Tại cuộc gặp mặt, bà Nhotkeomany Souphanouvong, con gái cả của Chủ tịch Souphanouvong, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước, thay mặt gia đình chào đón đoàn. Bà bày tỏ lời cảm ơn tới Hội hữu nghị Việt – Lào và Hội hữu nghị Lào – Việt vì đã có sáng kiến tổ chức hoạt động rất có ý nghĩa này. Bà nhấn mạnh, gia đình bà luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Souphanouvong, dù ở đâu, giữ cương vị nào cũng không được quên ơn những người Việt Nam đã hy sinh xương máu đem lại độc lập tự do cho đất nước Lào. Bà cho biết, sinh thời, Chủ tịch Souphanouvong vẫn nhắc đến những người làm Cách mạng, Bộ đội cụ Hồ trong đó có liệt sĩ Lê Thiệu Huy, những người đã bảo vệ Chủ tịch Souphanouvong trong quá trình hoạt động Cách mạng.
Các thành viên trong Đoàn đều bày tỏ xúc động được thăm đất nước Lào và gặp mặt con cháu các thế hệ trong gia đình Chủ tịch Souphanouvong. Ông Lê Thượng Quýnh, em trai liệt sĩ - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thiệu Huy - người đã lấy thân mình che đạn cho Chủ tịch Souphanouvong trong trận chiến Thà Khẹt ngày 21/3/1946, rất cảm động trước sự thăm hỏi ân tình của bà Nhotkeomany và các thành viên trong gia đình Chủ tịch Souphanouvong. Ông đã trao tặng gia đình một số tư liệu quý trong đó có bức thư của Chủ tịch Souphanouvong gửi cha của ông thông tin về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Lê Thiệu Huy.
Chia sẻ những kỷ niệm khó quên về Chủ tịch Souphanouvong trong thời gian ở tại nhà bố mẹ ông ở thôn Đá Bàn, huyện Mỹ Bằng, tỉnh Tuyên Quang để hoạt động cách mạng từ tháng 8/1950 đến tháng 2/1951, ông Lê Hải Thanh nói rằng: "Dù khi đó chỉ là cậu bé 6-7 tuổi, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh “Bác” Souphanouvong gần gũi, thân thiện với trẻ nhỏ; khéo léo, linh hoạt trong sinh hoạt thường ngày".
Ông Khương Bá Luận, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, đơn vị quản lý Đập Bái Thượng, công trình thuỷ lợi do kỹ sư Souphanouvong tham gia xây dựng cho biết, Đập Bái Thượng giúp đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở 10 huyện và thành phố ở tỉnh Thanh Hoá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh. Người dân Thanh Hoá luôn biết ơn và gọi Đập Bái Thượng là Đập Souphanouvong.
* Trước đó, đoàn đại biểu đã thăm và làm việc tại thị xã Thà Khẹt (tỉnh Khăm Muộn).
Đoàn thăm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Xiêng Vang |
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội hữu nghị Lào - Việt tỉnh Khăm Muộn Somchay Phetsinuon thay mặt lãnh đạo tỉnh Khăm Muộn chào đón đoàn. Trong thời gian ở Khăm Muộn, đoàn đã đi thăm khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Xiêng Vang, huyện Noong Booc; thăm Sở chỉ huy quân đội CM Lào và liên quân chiến đấu Lào - Việt, nơi đóng quân của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang CM Lào Souphanouvong cùng các chiến sĩ Lào và Việt Nam trong đó có Tham mưu trưởng Lê Thiệu Huy; thăm khu tưởng niệm chiến dịch bảo vệ Thà Khẹt ngày 21/3/1946; dâng hương tại Tượng đài Chủ tịch Souphanouvong 21/3 và thăm Khu tưởng niệm công viên 21/3.
Ông Lê Thượng Quýnh trao tặng tư liệu về Hoàng thân Souphanouvong và liệt sĩ Lê Thiệu Huy cho Nhà lưu niệm Công viên 21/3 |
Tại đây, ông Lê Thượng Quýnh, em trai liệt sĩ Lê Thiệu Huy đã rất xúc động được thăm nơi anh trai mình cùng Hoàng thân Souphanouvong và những người đồng đội dũng cảm chiến đấu bảo vệ Thà Khẹt. Đặc biệt là khúc sông nơi liệt sĩ Lê Thiệu Huy đã hy sinh anh dũng nghiêng mình che đạn cho Hoàng thân Souphanouvong. Ông Lê Thượng Quýnh đã trao tặng cho Khu tưởng niệm công viên 21/3 nhưng tư liệu quý giá về Hoàng thân Souphanouvong và liệt sĩ Lê Thiệu Huy.
Thị xã Thà Khẹt nằm trên địa bàn huyện Noong Booc, tỉnh Khăm Muộn. Người Việt sinh sống ở Thà Khẹt đã lâu, đến năm 1945 đã có hàng nghìn bà con ở thị xã và các bản lân cận. Sau khi Chính phủ Itxala được thành lập ngày 12/10/1946, Hoàng thân Souphanouvong, khi ấy đang làm việc ở Việt Nam, trở về Lào nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng Lào.
Sáng ngày 21/3/1946, máy bay Pháp ném bom tấn công thị xã Thà Khẹt. Hoàng thân đã dũng cảm cùng các chiến sĩ Việt Nam bảo vệ đến cùng thị xã và những người dân.
Trước sự tấn công khốc liệt của thực dân Pháp, Hoàng thân và đồng đội xuống cano rút quân sang Thái Lan để bảo toàn lực lương. Dưới mưa bom bão đạn của không quân và pháo binh thực dân Pháp, tham mưu trưởng Lê Thiệu Huy đã dũng cảm lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân và hy sinh anh dũng.
Năm 1991, Chính phủ Lào đã truy tặng liệt sĩ Lê Thiệu Huy Huân chương Itxala hạng nhất. Năm 2011, Chủ tịch nước Việt Nam đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Thiệu Huy.
Những cuộc gặp xúc động trên quê hương Chủ tịch Souphanouvong Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào từ ngày 12-16/7/2019 để tham dự hoạt động "Gặp gỡ trên quê hương Chủ tịch Souphanouvong", Đoàn đại biểu Trung ương ... |
400 người cao tuổi Cần Thơ được khám mắt, cung cấp kính lão Được sự hỗ trợ của Sở Y tế Cần Thơ, trong 2 ngày 12-13/7, tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam đã phối hợp ... |
Khai trương cặp cửa khẩu phụ Nậm Lạnh và Mường Pợ: Thắt chặt tình đoàn kết Việt - Lào Ngày 9/7, tại Trạm cửa khẩu phụ Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) và tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã tổ chức Lễ khai ... |