Gần 5.900 nông hộ nhỏ tỉnh Đắk Lắk được hưởng lợi từ Dự án SACCR
Dự án SACCR tỉnh Đắk Lắk do Quỹ khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) được thực hiện tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2021 – 2026).
Tại Đắk Lắk, dự án được triển khai tại 11 xã thuộc 4 địa phương, gồm: Ea H’leo (thị trấn Ea Drăng và xã Ea Sol, Đliê Yang), Cư M’gar (xã Quảng Tiến), Ea Kar (xã Ea Sô, Ea Sar, Xuân Phú), Krông Pắc (xã Krông Búk, Ea Phê, Ea Yông, Ea Kênh). Tổng mức đầu tư dự án hơn 118 tỷ đồng (gồm vốn ODA trên 102 tỷ đồng; vốn đối ứng gần 16 tỷ đồng).
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Minh Huệ/daklak.gov.vn) |
Các hoạt động của dự án tại Đắk Lắk, gồm: thiết kế và xây dựng 917 hệ thống kết nối và phân phối, trong đó có lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị tưới để ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập 9 nhóm sử dụng nước để vận hành và bảo dưỡng hệ thống; xây dựng hoặc nâng cấp 260 ao chống chịu với biến đổi khí hậu và thiết lập 43 nhóm quản lý ao; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước nội đồng cho 2.335 hộ sản xuất nhỏ nghèo, cận nghèo…
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hoài Dương cho biết, hiện nay nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh Đắk Lắk. sản xuất nông nghiệp ngày càng gắn với sản xuất hàng hóa, theo nhu cầu của thị trường và tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, tăng tính cạnh tranh và có hiệu quả thì cần phải đảm bảo nguồn nước. Tuy nhiên do tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và nhu cầu nước phục vụ sản xuất và đời sống gia tăng, tình trạng thiếu nước ở Đắk Lắk đang là vấn đề gay gắt, đặc biệt ảnh hưởng đến các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Chính vì vậy, Dự án SACCR hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng thích ứng của 5.838 nông hộ nhỏ, dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất an ninh nước do biến đổi khí hậu trên địa bàn Đắk Lắk.
Trong đó, tập trung vào các nội dung như trao quyền cho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số để quản lý rủi ro khí hậu ngày càng tăng trong sản xuất nông nghiệp thông qua bảo đảm nguồn nước; áp dụng các thực hành nông nghiệp mang tính chống chịu khí hậu và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp mang tính thực hành.
Biến đổi khí hậu khiến một số sông suối Tây Nguyên cạn kiệt nước (ảnh tư liệu) |
Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường; thúc đẩy sự chuyển đổi cách thức sản xuất quy mô nông hộ nhỏ từ các biện pháp ngắn hạn, mang tính đối phó sang các biện pháp mang tính tổng hợp, có sự điều phối giữa các bên liên quan thông qua quản lý nguồn nước, sản xuất chủ động dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu…
Dự án cũng sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân trong nhóm đối tượng của dự án về sử dụng, vận hành và bảo dưỡng hệ thống công nghệ tiết kiệm nước, tham gia vào chuỗi giá trị…