Gần 300 chung cư Hà Nội chưa bàn giao phí bảo trì
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số 108 vụ tranh chấp chung cư xảy ra trong thời gian qua, số vụ tranh chấp liên quan tới phí bảo trì lên đến 36%. Lý do chủ yếu do nhiều CĐT chiếm dụng cho mục đích riêng, không minh bạch, không bàn giao cho Ban quản trị. Cũng có trường hợp khi chuyển giao số kinh phí này, Ban quản trị lại tùy tiện sử dụng không đúng mục đích.
Phương án thu phí bảo trì chung cư ngay từ đầu khi CĐT bàn giao nhà cho người mua và giữ trong tài khoản chủ đầu tư (CĐT) tự mở và tự quản lý nhưng không có bất cứ sự giám sát nào đang gây mất niềm tin đối với cư dân. Đó cũng chính là nguyên nhân lớn nhất mà hầu hết cư dân không muốn nộp phí bảo trì ngay từ đầu, bởi về pháp lý thì CĐT tạm giữ, song trên thực tế sau khi ban quản trị chung cư được thành lập cũng không dễ đòi toàn bộ quỹ bảo trì từ CĐT.
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa thông báo kết quả kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngoài Hà Nội, Bộ này cũng đã lập đoàn kiểm tra tại TP HCM.
Số liệu cho thấy hơn một nửa chung cư tại Hà Nội chủ đầu tư chưa bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị. Cụ thể, có 254 trên tổng số 492 chung cư thương mại (chiếm 52%), 33 trong số 82 chung cư tái định cư (chiếm 40%). Trong số này có 39 trường hợp có tranh chấp về kinh phí bảo trì xảy ra ở chung cư thương mại.
Về chung cư thương mại, theo báo cáo, trên địa bàn Hà Nội hiện có 745 nhà chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó đã tổ chức bầu 492/745 Ban quản trị (66%); đã bàn giao hồ sơ cho 392/492 Ban quản trị (80%); đã bàn giao diện tích sở hữu chung cho 338/492 Ban quản trị (69%); đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 238/492 Ban quản trị (48%).
Cư dân Westa (104 Trần Phú, Hà Đông) căng băng rôn phản đối CĐT là Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 18 (COMA18). |
Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu 19 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho ban quản trị, thậm chí ra 2 quyết định cưỡng với 2 chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 13 chủ đầu tư có vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Tại hội thảo do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Sở Xây dựng TP HCM đã đề xuất bỏ 2% phí bảo trì nhà chung cư sau khi sửa Luật Nhà ở. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà, bởi quỹ này hoàn toàn không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện nay các cơ quan nhà nước còn bối rối trong việc đưa ra các chế tài xử lý, các quy định ban hành về quản lý nhà chung cư còn chồng lấn. Đáng chú ý là hơn 500 dự án bàn giao nhưng chỉ có hơn 200 dự án bàn giao Quỹ bảo trì. Điều này cho thấy, lợi ích của người dân đã bị chiếm dụng.
Cũng liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì chung cư, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Quốc hội chiều 4/6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, theo điều 176 của Luật Nhà ở, thanh tra xây dựng có trách nhiệm thanh kiểm tra việc quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về nhà ở.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu câu hỏi: "Bộ trưởng Phạm Hồng Hà có biết việc cơ quan thanh tra xây dựng đã thanh tra và phát hiện việc ký lại hợp đồng mua, bán phần diện tích sử dụng chung vốn là của cư dân, nhưng hiện nay chủ đầu tư đã chiếm hay không? Việc chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt quỹ bảo trì tòa chung cư hiện nay như thế nào?"
Trả lời chất vấn trên, Tư lệnh ngành Xây dựng dẫn chứng cụ thể báo cáo năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 của Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội và Hồ Chí Minh về việc tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,5 tỷ đồng, yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 20 chủ đầu tư có hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,3 tỷ đồng, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả đối với 11 chủ đầu tư không bàn giao hoặc chậm, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị.
Theo đại biểu khác, việc chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư thực tế là có và số tiền chiếm dụng lên tới hàng trăm tỷ chứ không phải hàng chục tỷ đồng. Vì thế, đại biểu cho rằng, việc sửa Thông tư 02 về quản lý nhà chung cư trong năm 2019 phải đưa ra quy định điều chỉnh, khắc phục lỗi này. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, chưa có địa phương nào chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra hình sự về việc này.
Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM thực hiện nghiêm chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư. Xử lý nghiệm các vi phạm đặc biệt là vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, đảm bảo quyền lợi của cư dân.
Chung cư The Zei Mỹ Đình đổi tên có đổi vận? Dự án The Zei của HD Mon đang được quảng bá với những mỹ từ bóng bẩy, nhưng số phận của người mới có vướng ... |
Phía sau chung cư The Zei đắt nhất Mỹ Đình Việc chung cư The Zei do HD Mon Holdings làm chủ đầu tư được vinh danh "dẫn đầu xu thế" khi chỉ mới xong phần ... |
Sốc với chung cư T-Palace đắt nhất Việt Nam, giá gần 300 triệu/m2 Với giá bán 291 triệu đồng/m2, T-Palace Hàng Bài của Global Invest đang lập đỉnh về giá trong thị trường căn hộ cao cấp, trở thành ... |
Phí bảo trì chung cư, miếng mồi béo bở để các bên xâu xé Có 11 địa phương, chủ yếu là Hà Nội và TPHCM đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận ... |