Fed tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp: Cú vung tay “đau đớn”
Nguyễn Hà 22/09/2022 11:47 | Thế giới 24 giờ


Động thái từ nước Mỹ
Quyết định Fed đưa ra vào rạng sáng 22/9 (theo giờ Việt Nam) ghi nhận lần thứ 5 trong năm nay, thiết chế đóng vai trò ngân hàng trung ương của Mỹ tăng lãi suất và lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản ở Mỹ lên 3% - 3,25%. Các quan chức Fed dự báo lãi suất có thể đạt 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023. Điều này có nghĩa Fed có thể nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp tiếp theo (dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ).
![]() |
Chủ tịch FED Jerome Powell hiện chưa đưa ra bất kỳ kỳ vọng nào về việc lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ có thể tăng cao đến đâu (Ảnh: Reuters) |
Với những gì diễn ra, thông điệp chính mà Chủ tịch Fed Jerome Powell muốn truyền đi là quyết tâm hạ nhiệt lạm phát từ mức dự báo 5,4% của năm 2022 xuống quanh mức 2% vào năm 2025. Cùng với hiệu quả của việc tăng lãi suất, các quan chức Fed dự báo đến năm 2024 lãi suất cơ bản sẽ giảm xuống còn 3,9%, năm 2025 còn 2,9%. Mức này vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước giữa tháng 3/2022, khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 3 năm. Lúc đó, Fed đang duy trì lãi suất cơ bản trong khoảng 0 – 0,25% nhằm chống lại tác động từ đại dịch COVID-19.
Khi thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2022, ông Powell ước rằng “có một cách ít đau đớn hơn” để chiến thắng lạm phát và lập tức thừa nhận một cách đau đớn rằng “tiếc là không có”. Cùng với những gì phát biểu tại hội nghị Jackson Hole hồi tháng 8/2022, quan điểm xuyên suốt của ông Powell vẫn là phải thắt chặt tiền tệ tối đa để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Theo ông Powell, lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và thị trường lao động ảm đạm hơn là những điều gây tổn hại cho công chúng, nhưng sẽ không tồi tệ bằng kịch bản Fed thất bại trong việc khôi phục ổn định giá cả rồi lại phải tiếp tục quay trở lại con đường tăng lãi suất.
Nói cách khác, với quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 40 năm trở lại đây, Fed chấp nhận một số hệ luỵ. Fed đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 từ mức 1,7% đưa ra hồi tháng 6 xuống còn 0,2% hiện nay. Fed cũng điều chỉnh dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ từ mức 3,9% đưa ra hồi tháng 6 lên 4,4% vào cuối năm 2023.
Vấn đề của thế giới
Mỹ không phải là nước duy nhất đối mặt với lạm phát cao kỷ lục. Chuỗi cung ứng về năng lượng, lương thực, phân bón bị đứt gẫy vì xung đột Nga – Ukraine trong khi chuỗi cung ứng mới theo trục Mỹ - châu Âu - Nhật Bản chưa thành hình. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách “zero COVID” khiến hàng trăm danh mục hàng hóa chiến lược từ nước này không thể xuất cảng dễ dàng… Tình trạng khan hiếm hàng hóa trở thành mảnh đất “nuôi dưỡng” lạm phát tốt hơn bất cứ điều kiện nào. Cho nên, không chỉ có Fed, tổng cộng từ đầu năm 2022 tới nay có khoảng 90 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tăng lãi suất để đối phó với áp lực giá cả đang tăng nhanh, trong đó một nửa đã tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm mỗi lần.
Tuy nhiên, Fed mạnh tay tăng lãi suất là động lực chính cho đồng USD tăng giá. Với vai trò là là đồng tiền chủ chốt sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu, biến động của đồng USD luôn gây ra ảnh hưởng ở diện rộng. Sự mạnh lên của đồng USD có thể được cảm nhận rõ nét trong tình trạng thiếu nhiên liệu và năng lượng ở Sri Lanka, lạm phát kỷ lục tại châu Âu và thâm hụt thương mại kỷ lục tại Nhật Bản...
![]() |
Lạm phát khiến người tiêu dùng đắn đo nhiều hơn trong mua sắm Ảnh AFP |
Trong khi đó, Fed sẽ không dừng việc tăng lãi suất tới khi đạt được mục tiêu lạm phát. Việc này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác nhằm đầu tư vào các tài sản Mỹ có lợi suất cao, đổ vào đồng USD nhiều hơn, càng khiến “đồng bạc xanh” tăng giá mặc dù ngày 21/9, đồng USD đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế.
Theo giới quan sát, đà tăng của “đồng bạc xanh” có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu và giáng đòn mạnh vào các quốc gia có khoản vay bằng đồng USD, nhất là những nước nghèo. Bên cạnh đó, có một thực tế phổ quát là đồng bạc xanh mạnh lên sẽ làm cho những hàng hóa tính bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người tiêu dùng không sử dụng USD, cuối cùng sẽ làm nhu cầu đi xuống, đe dọa tới tăng trưởng kinh tế.
Xem ra, đồng USD tăng giá đang tác động sâu rộng đến cả những nền kinh tế phát triển lẫn các nước nghèo. “Cú tất tay” của ông Powell (cụm từ mà Derek Tang, chuyên gia kinh tế của LH Meyer, sử dụng để nói về quyết định tăng lãi suất của Chủ tịch Fed) không chỉ gây ra “nỗi đau” ở Mỹ, mà nỗi đau ấy còn có thể được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới.


Truyền hình
Đáng chú ý
Đại biểu quốc tế gặp gỡ, giao lưu hữu nghị tại Lào Cai

Bài viết mới
Liên hợp quốc kêu gọi ngăn chặn, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Việt Nam dự Hội nghị đối thoại cấp cao giữa Trung Quốc và các chính đảng

Chuyên đề

Quan hệ Việt Nam-Australia từ góc nhìn đối ngoại nhân dân

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Ngày Valentine, còn gọi là Ngày lễ tình yêu hay là Ngày lễ tình nhân diễn ra vào ngày 14/2 hàng năm. Ngày lễ này được đặt tên theo Thánh Valentinô, một trong số những vị thánh tử vì đạo Kitô giáo đầu tiên - và cũng là ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa các đôi tình nhân và bạn bè khác giới. Trước đây, ngày Valentine là ngày lễ chỉ ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng ngày nay nó được phổ biến ở hầu hết các quốc gia.