Được hiểu thêm, hiểu đúng để ủng hộ Việt Nam
Từ 7-10/12/2021, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng ngắn hạn về tôn giáo với chủ đề “Tôn giáo trong xã hội đương đại” do Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng phối hợp với Hội Việt - Mỹ và đối tác Viện Liên kết toàn cầu (IGE - Mỹ) tổ chức theo hình thức bán trực tuyến.
Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và Pháp quyền: Tiến tới một quan hệ hài hoà trong thời đại toàn cầu hoá” trên nền tảng trực tuyến. |
Trước đó, trong hai ngày 28-29/9/2021, tại Hà Nội cũng diễn ra Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và Pháp quyền: Tiến tới một quan hệ hài hoà trong thời đại toàn cầu hoá”. Hội thảo do Hội Việt-Mỹ và Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của IGE và sự tham gia, tài trợ của Trường Luật J. Reuben Clark, Đại học Brigham Young (BYU) Hoa Kỳ và Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo (LSE Faith Centre), Đại học Kinh tế và chính trị London.Lớp Bồi dưỡng không chỉ đào tạo kiến thức về tôn giáo, mà còn là một diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam có thể trao đổi thông tin, quan điểm về các vấn đề học thuật xoay quanh việc bảo đảm thực thi tự do tín ngưỡng, tôn giáo dựa trên cơ sở các giá trị phổ quát của thế giới và đặc thù thể chế chính trị, kinh tế - xã hội, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của gần 140 đại biểu Việt Nam và nước ngoài.
Hội thảo đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề lý luận, các cơ chế pháp lý quốc tế, các mô hình, kinh nghiệm của các quốc gia về xử lý các vấn đề phức tạp về tôn giáo, cũng như những khác biệt, thậm chí xung đột giữa đạo đức, giáo lý tôn giáo với quy định pháp luật. Từ đó cung cấp những phân tích và ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong việc thực hiện Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng năm 2016.
Theo ông Bùi Văn Nghị, Trưởng Ban Châu Mỹ (VUFO), Tổng Thư ký Hội Việt - Mỹ: Những hội thảo, hội nghị, tập huấn trên đã thành công và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cụ thể, đã chuyển tải được thông điệp về việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật; cập nhật thông tin về thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực đảm bảo nhân quyền, tự do tôn giáo. Thông qua hoạt động này đã tăng cường quan hệ với các đối tác, phát huy kênh đối ngoại nhân dân giải quyết yêu cầu đối ngoại; tranh thủ vai trò của các đối tác để giải tỏa căng thẳng với Mỹ về tôn giáo, nhân quyền. Đồng thời nghiên cứu tiếp thu một cách có chọn lọc các ý kiến tham luận của học giả về kinh nghiệm, quan điểm của thế giới về vấn đề tôn giáo để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo.
Bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao sự chuyển biến tích cực trong chính sách tôn giáo của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.