Đức, Áo phản đối việc Mỹ tăng cường trừng phạt Nga
Thủ tướng Áo Christian Kern
Gói biện pháp mới nhằm vào Nga nằm trong dự luật sửa đổi lệnh trừng phạt chống lại Iran. Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 15/6 với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, nhưng cần được Hạ viện chấp thuận và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết để chính thức trở thành luật.
Nếu được thông qua, Mỹ có thể áp đặt trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức "đầu tư trực tiếp và đáng kể góp phần nâng cao khả năng của Nga trong việc xây dựng đường ống truyền tải năng lượng" hoặc cung cấp "hàng hoá, dịch vụ, công nghệ, thông tin; trực tiếp hỗ trợ cho phép duy trì hoặc mở rộng việc xây dựng, hiện đại hóa, hoặc sửa chữa đường ống năng lượng" cho Nga.
Theo đề xuất, nhiều doanh nghiệp đang có hợp tác với các công ty dầu khí Nga sẽ bị chính quyền Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt. Trong số này, có nhiều công ty châu Âu, ví dụ như các tập đoàn đang tham gia dự án đường ống dẫn khí khổng lồ Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc).
Dự án Nord Stream 2 do Nga và Đức hợp tác triển khai
Điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ Đức và Áo. Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern ngày 15/6 nêu rõ: "Cung cấp năng lượng cho châu Âu là vấn đề của châu Âu, chứ không phải Mỹ".
"Chúng tôi không thể chấp nhận việc (Mỹ) đe dọa các công ty châu Âu đang góp phần vào việc phát triển hệ thống cung cấp năng lượng ở châu Âu, bằng những chế tài ngoại vi vi phạm luật pháp quốc tế" - tuyên bố trên nêu rõ.
Ông Gabriel và ông Kern cho rằng việc trừng phạt Nga là "công cụ chính trị" và không nên gắn liền với lợi ích kinh tế. Theo đó, ý định áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga của Mỹ sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington với châu Âu.
"Mục đích thực sự của các lệnh trừng phạt này là tạo việc làm mới cho ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ" - tuyên bố chung nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng động thái của Washington sẽ làm uy yếu nguyên tắc cạnh tranh công bằng trên thị trường năng lượng.
Bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ
Hai chính trị gia cấp cao của Đức và Áo cũng kêu gọi chính quyền Mỹ hủy bỏ kế hoạch này và nói rằng họ "rất ủng hộ" những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ trong việc thay đổi dự luật về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã từ chối bình luận về chỉ trích của Áo và Đức. Thay vào đó, bà tuyên bố Washington "hoan nghênh" chuyến vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên từ Mỹ tới cảng Swinoujscie (Ba Lan) hồi tuần trước.
Bà Heather lập luận rằng các chuyến hàng như trên sẽ cung cấp sự thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga, bởi chúng đến từ những quốc gia "có vẻ ổn định hơn". "Nga có khả năng cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên và đặt Ba Lan vào tình thế rất khó khăn" - bà nhấn mạnh.
Hồng Anh