Dự thảo Luật Trồng trọt không đề cập đến thuốc BVTV có bất thường không?
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trồng trọt, trong Luật có 7 chương, 82 điều, trong đó quy định về "giống" và "phân bón" có tới 55 điều, chiếm tới 67% tổng số điều, còn nội dung "kỹ thuật canh tác" chỉ có 9 điều và một số điều khác liên quan đến chế biến, thu hoạch...
Thuốc BVTV hiện nay được nhập, sử dụng rất bất thường. Các điều kiện để doanh nghiệp, đơn vị được nhập khẩu, kiểm soát việc nhập khẩu, bán và sử dụng đang bị buông lỏng. Thế nhưng, trong dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội xem xét lại chưa đề cập đến.
Hiện nay, thuốc BVTV đang hiện diện liên tục, hàng ngày trong đời sống của chúng ta. Thuốc BVTV liên quan đến từ chuyện ăn, uống, nghỉ, chơi… những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống. Vì thế, nếu không có luật điều chỉnh, kiểm soát, thị trường này rất dễ phát sinh những tác hại khôn lường.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.
“Trên báo chí, kể cả những thông tin chính thống hay chưa chính thống đều không thống nhất về các con số thuốc bảo vệ thực vật được nhập khẩu vào Việt Nam cũng như con số thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất trong nước. Tôi cũng nghe là mỗi ngày nhập khẩu 2 triệu USD tiền thuốc BVTV, có hay không và hậu quả của việc sử dụng”, bà Phạm Khánh Phong Lan nêu ý kiến trong khi thảo luận.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, không cấm sử dụng thuốc BVTV nhưng phải sử dụng đúng theo quy trình và đặc biệt khi thu hoạch đảm bảo độ ngừng như thế nào để thuốc đó không còn tồn dư, đảm bảo ngưỡng an toàn cho sản phẩm.
Vị đại biểu này cũng băn khoăn: “Chúng ta đã có kiểm tra, kiểm soát, có giới hạn quota cho khối lượng thuốc BVTV cả nước chưa? Hay nông dân muốn sài bao nhiêu thì sài và thị trường thấy cần thì nhập về”?
Ảnh minh họa trên internet.
Những câu hỏi, những vấn đề Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nêu ra hoàn toàn có lý. Bởi, thực tế, tại Việt Nam, chưa có một công bố danh sách rõ ràng, điều kiện, đơn vị, doanh nghiệp được nhập khẩu thuốc BTVT để người dân giám sát. Đơn vị đó được phép nhập loại nào? Có loại thuốc A hay không? Sao họ bán cả loại thuốc A đó…
Nếu không đưa thuốc BVTV vào Luật Trồng trọt thì những loại thuốc BVTV đã cấm lưu hành, vẫn “tác quái” trên thị trường, vẫn được tư thương tuồn bán cho người sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến môi trường ở mức nghiêm trọng, chúng ta lấy căn cứ đâu để xử lý?
Cụ thể, trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa rất nhiều hoạt chất trong thuốc diệt cỏ vào danh sách cấm sử dụng. Rồi còn nhiều hoạt chất khác nữa…nếu tư thương vẫn cố tình bán và có người vẫn cố tình sử dụng, ngoài phạt hành chính, cần có chế tài hình sự đối với người bán và tiêu thụ để răn đe những đối tượng đang manh nha, cố tình vi phạm…
Năm 2017, một công bố của Công ty Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường thuốc BVTV tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,8%/năm trong giai đoạn 2017-2022. Ước tính, giá trị thị trường thuốc BVTV của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,266 tỷ USD vào năm 2022.
Vấn đề đặt ra là trong nước ngành sản xuất thuốc BVTV của chúng ta không đáp ứng đủ hay sao mà nhập nhiều như vậy? Liệu, có bất thường gì không? Số tiền nhập khẩu thuốc BVTV đó, sao không đầu tư cho sản xuất nó để chúng ta biết rõ nguồn gốc, kiểm soát được chất lượng sản phẩm…
Được biết, trong các lĩnh vực sản phẩm nông hóa, thuốc BVTV dạng sinh học tại Việt Nam có khả năng sẽ phát triển nhanh hơn so với thuốc BVTV dạng hóa học, tốc độ tăng trưởng có thể đạt trên 10%/năm trong thời kỳ 2015-2020.
Tính theo dạng sản phẩm, thuốc trừ sâu là lĩnh vực thuốc BVTV lớn nhất tại Việt Nam, tiếp theo là thuốc diệt nấm và thuốc diệt cỏ.
Theo số liệu ước tính từ Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV với tổng giá trị 400 triệu USD, tăng 41% so với năm trước. Chỉ riêng tháng 5/2017, giá trị nhập khẩu thuốc BVTV đã đạt 98 triệu USD.
Trong tổng giá trị thuốc BVTV nhập khẩu vào Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 53%, phần còn lại đến từ các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đức.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã chi mỗi năm khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV từ Trung Quốc. Trong số thuốc BVTV được nhập khẩu, thuốc diệt cỏ chiếm 48% (19.000 tấn), thuốc trừ sâu chiếm 32% (16.400 tấn), thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng khoảng 900 tấn.
99% thuốc BVTV tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ có một lượng nhỏ được sản xuất trong nước, đó là các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và thảo mộc.
Cần có cơ chế kiểm soát để người sử dụng đúng mục đích, tốt cho sản phẩm. Ảnh minh họa internet.
Tại sao số lượng thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam lặp lại tình trạng “năm sau cao hơn năm trước”?
Theo Lao động, ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) đưa ra thông tin: Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm trên đồng ruộng. Gần đây các doanh nghiệp (DN) nhập nguyên liệu thuốc BVTV từ Trung Quốc chiếm 85-90%, bởi Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc BVTV của thế giới (chiếm 40%).
Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu BVTV về không chỉ để sử dụng ở Việt Nam mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác như Campuchia (sử dụng đến 80% thuốc BVTV của Việt Nam), Lào, Myanmar, Singapore, Philippines... chứ không phải chỉ để sử dụng toàn bộ cho đồng ruộng Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam nhập ngày càng nhiều nguyên liệu, thuốc BVTV.
N.Hòa