Dự báo KQKD quý IV: Nhiều ngân hàng lãi lớn, nhóm thép, bất động sản công nghiệp phục hồi mạnh
SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý IV/2023 của 39 công ty trong phạm vi nghiên cứu, trong đó 23 công ty dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 16 công ty có dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.
Theo SSI Research, ở nhóm 23 doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương có 8 ngân hàng (ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, TCB, VPB) cùng một số các doanh nghiệp đại diện cho các ngành khác như BMP, CTR, FPT, HPG, IDC, KBC, KDH, PTB, PVD, PVT, QNS, SZC, VRE, VTP, VNM.
Ngược lại, SSI Research dự báo DCM, DGC, DPM, GAS, HAH, MSB, NLG, NT2, POW, PVS, SAB, STK, TPB, VCB, VGC, VIB sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý IV/2023.
Nhiều ngân hàng tăng trưởng 2 chữ số
Trong nhóm ngân hàng, SSI Research dự báo lợi nhuận của nhóm big 4 sẽ có sự phân hóa. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của BIDV (BID) dự báo sơ bộ đạt 27.400 tỷ đồng trong năm 2023, theo đó LNTT quý IV/2023 của BIDV đạt 7.600 tỷ đồng (tăng mạnh 42% so với cùng kỳ) đến từ động lực dư nợ tín dụng tăng trưởng mạnh 16,7% trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức 1,1% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 192%.
Với VietinBank (CTG), SSI Research kỳ vọng Vietinbank sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2023 khoảng 24.200-24.500 tỷ đồng (tăng 16-17% so với cùng kỳ). Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 dự kiến đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Vietcombank (VCB) lại không duy trì được đà tăng trưởng trong quý IV này. Vietcombank từng là ngân hàng duy nhất ghi nhận LNTT ở mức cao trong quý IV/2022. Theo đó, dự báo lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 Vietcombank sẽ giảm nhẹ 3-5% so với cùng kỳ đạt 11.700 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả này vẫn được xem khá vượt trội so với toàn ngành. So với quý trước, LNTT của ngân hàng tăng 29,4% với động lực tăng trưởng đến từ tăng trưởng tín dụng 10,6% và chất lượng tài sản được quản lý tốt.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân, SSI Research dự đoán tăng trưởng LNTT quý IV/2023 của nhiều ngân hàng có thể tăng trưởng 2 chữ số. Trong đó, với ACB, SSI kỳ vọng ngân hàng kiểm soát chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu NPL ở mức 1,2%. Và đó là nhân tố chính giúp ACB có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 5.000 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 39% so với cùng kỳ. Tín dụng tăng mạnh trong quý IV/2023, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ NIM chưa có nhiều cải thiện. Ước tính NIM của ACB sẽ đạt 4,1% trong năm 2023, giảm so với mức 4,3% trong năm 2022.
Với HDBank (HDB), SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 đạt 3.800-4.000 tỷ đồng, tăng 69-78% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 ước đạt từ 12.400-12.600 tỷ đồng (tăng 21-23% so với cùng kỳ). Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu đến từ sự phục hồi của NIM, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng khoảng 27% so với đầu năm).
MBB dự kiến đạt 26.000 tỷ đồng LNTT trong cả năm 2023. Như vậy, LNTT quý IV/2023 ước đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Tương tự, LNTT của Sacombank (STB) khả năng cũng sẽ tăng 2 chữ số trong quý IV, đạt khoảng 2.400-2.670 tỷ đồng (tăng 27-40% so với cùng kỳ); LNTT cả năm ước đạt khoảng 9.300-9.500 tỷ đồng (tăng 47-50% so với năm 2022).
Lợi nhuận trước thuế của Techcombank (TCB) dự kiến đạt khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng trong quý IV/2023. Mặc dù mức lợi nhuận này giảm 14% so với quý trước nhưng tăng nhẹ so với cùng kỳ do mức nền lợi nhuận thấp trong quý IV/2022.
Riêng VPBank (VPB) SSI Research kỳ vọng LNTT hợp nhất quý IV/2023 có thể tăng trưởng vượt trội từ 100-150% so với mức nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ do FeCredit.
Với một số ngân hàng TMCP khác, SSI Research dự báo LNTT quý IV có thể giảm hàng chục %. Trong đó, TPBank (TPB) dù tăng trưởng tín dụng tăng 18,5% nhưng do nỗ lực trích lập thêm dự phòng nợ xấu trong quý IV nên lợi nhuận có thể giảm từ 50-60% so với cùng kỳ. Tương tự, VIB dù ước tính tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2023 tăng 14% so với đầu năm, nhưng áp lực trích lập dự phòng cao đã cản trở tăng trưởng LNTT (giảm 10,5% so với cùng kỳ). Theo đó, LNTT của VIB ước đạt 2.500 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Nhóm thép phục hồi mạnh
Với nhóm ngành thép, đại diện là Hòa Phát (HPG), SSI Research ước tính lợi nhuận sẽ có sự phục hồi mạnh với lợi nhuận ròng có thể đạt khoảng 2.300 tỷ đồng trong quý IV, tăng khoảng 15% so với quý trước và phục hồi mạnh mẽ từ mức lỗ 2.000 tỷ đồng của cùng kỳ, nhờ giá thép phục hồi nhẹ đồng thời sản lượng tiêu thụ phục hồi đáng kể.
Nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. Trong đó, lợi nhuận ròng của Đô thị Kinh Bắc (KBC) có thể đạt 457 tỷ đồng, phục hồi từ mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái. Hay Idico (IDC) khả năng cũng đạt LNTT 430 tỷ đồng trong quý IV, tăng 44% so với cùng kỳ, nâng tổng LNTT cả năm lên khoảng 1.700 tỷ đồng.
Với doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, Đường Quảng Ngãi (QNS) được SSI Research kỳ vọng LNTT quý IV sẽ tăng 60-70% so với cùng kỳ, đạt 800 tỷ đồng nhờ giá đường trong nước và sản lượng tiêu thụ tăng cao. Vinamilk (VNM) cũng có khả năng đạt lợi nhuận sau thuế 2.500 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 20% so với quý IV/2022.
FPT được dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) quý IV sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng từ một đến hai con số từ mảng công nghệ thông tin nước ngoài, công nghệ thông tin trong nước, viễn thông và giáo dục.
LNTT quý IV/2023 của Viettel Post (VTP) còn được SSI Research dự báo có thể sẽ tăng tới 6.700% so với cùng kỳ, đạt 130 tỷ đồng nhờ thị phần chuyển phát thương mại điện tử tăng lên, hiệu quả hoạt động giao hàng chặng giữa tốt hơn và mức nền so sánh thấp trong quý IV/2022 khi LNTT chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý IV/2023 của nhiều doanh nghiệp dầu khí, phân bón có khả năng giảm mạnh (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, lợi nhuận của một số doanh nghiệp nhóm dầu khí có khả năng sẽ tăng trưởng trái chiều. Theo đó, LNST quý IV của PVD ước tính đạt 150 tỷ đồng, tăng 183% so với cùng kỳ, LNTT của PVT cũng có thể tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 410 tỷ đồng. Nhưng ngược lại LNST quý IV của GAS có thể giảm 24%, xuống 11.600 tỷ đồng hay LNST của POW ước tính giảm 64-65%, đạt từ 340-350 tỷ đồng.
Lợi nhuận của nhóm phân bón, hóa chất cũng có khả năng giảm mạnh, trong đó, LNTT quý IV của DPM, DCM lần lượt giảm 84% và 66% so với cùng kỳ, đạt 200 tỷ đồng và 360 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận ròng của DGC ước tính giảm 15%, đạt 950 tỷ đồng.