Đồng Nai đặt ra mục tiêu xuất khẩu 500.000 tấn chuối trong năm 2023
Ngày 22/2, UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức lễ xuất khẩu lô chuối tươi đầu năm Quý Mão 2023 sang thị trường Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sau nhiều năm đàm phán, trao đổi kỹ thuật, nhất là liên quan đến các vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm chuối tươi giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam đã đạt được chứng nhận của thị trường này.
Trong những năm qua, nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường nhờ vào chất lượng, giá cả cạnh tranh và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Rau quả nói chung và trái cây nói riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
“Với niềm tin vững chắc vào tương lai tốt đẹp, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được củng cố, phát triển, góp phần thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và các nước Đông Á phát triển vững chắc”, bà Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành thực hiện nghi thức cắt băng chúc mừng chuyến hàng xuất khẩu lô chuối tươi đầu năm. |
Tại Đồng Nai, chuối là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh. Diện tích chuối hiện nay là 13.149 ha, đứng đầu cả nước, chiếm tỉ lệ 8,53% toàn quốc và 70% vùng Đông Nam Bộ, đây là một trong số ít các loại cây ăn quả có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500 ha với năng suất trung bình khoảng 40 - 45 tấn/ha (trong khi tiềm năng có thể đạt từ 50 - 55 tấn/ha), sản lượng ước tính 450.000 tấn/ năm, trong số này có trên 80% là để xuất khẩu. Diện tích cây chuối ở Đồng Nai phân bố trên khắp các địa bàn trong tỉnh nhưng tập trung nhiều ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán.
Hiện nay, cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số, và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 vùng trồng với diện tích 5.669 ha (43% diện tích chuối của tỉnh) và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Các container chuối tươi của tỉnh Đồng Nai lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho hay, chuối tươi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 80-90%. Giống chuối được trồng phổ biến ở Đồng Nai là chuối già Nam Mỹ, chuối Sứ, chuối Cau và một số giống chuối khác. Hiện nay, lợi nhuận bình quân trồng chuối khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Trước đó, năm 2022, Đồng Nai đã xuất khẩu trên 400.000 tấn chuối và dự kiến trong năm nay sẽ xuất khẩu 500.000 tấn chuối. Tính từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu được trên 200.000 tấn, trong đó, 2 huyện chiếm tỷ xuất khẩu trọng lớn là Trảng Bom và Định Quán.
Ông Lê Viết Bình - Phó Chánh văn phòng, Trưởng đại diện khu vực phía Nam (Bộ NN&PTNT) đề nghị ngành nông nghiệp Đồng Nai chú trọng hơn công tác đào tạo, hướng dẫn, thực hiện các quy định (quản lý vùng trồng, đóng gói, chế biến, kiểm dịch khi xuất khẩu, tại cửa khẩu...) tại Nghị định thư đã ký kết với thị trường Trung Quốc nhằm đảm bảo xuất khẩu chuối bền vững.
"Chuối sẽ là sản phẩm mở đường cho các sản phẩm rau, quả của Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch. Các sản phẩm cần hướng đến mục tiêu không chỉ tươi mà cả chế biến sâu; không chỉ thị trường Trung Quốc mà cả thế giới...", ông Lê Việt Bình chia sẻ.
Theo nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký ngày 31/10 có những nội dung chính như sau: Chuối tươi xuất khẩu là loại chuối xanh non được thu hoạch trong vòng 10-11 tuần sau khi ra hoa; chuối chín hoặc chuối bị nứt vỏ sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Chuối xuất khẩu sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như các yêu cầu nêu trong nghị định thư này, không nhiễm 7 đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Ngoài ra, các tiêu chuẩn và yêu cầu khác (tiêu chuẩn liên quan đến sức khỏe con người, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc) không có trong nghị định thư cũng có thể được áp dụng cho chuối tươi của Việt Nam. Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt. Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể gồm: tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác. Chuối tươi của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây. Khi lô hàng tới, GACC sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quy trình kiểm dịch thực vật. Chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc Phụ lục còn sống hoặc đối tượng kiểm dịch thực vật mới hoặc có đất hoặc lẫn tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy hoặc xử lý. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy. GACC sẽ thông báo cho MARD nếu phát hiện việc không tuân thủ các yêu cầu nêu trên và tạm dừng nhập khẩu chuối từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan trong vụ xuất khẩu này tùy từng trường hợp. |
Hàng hóa Việt nhiều triển vọng xuất khẩu sang thị trường UAE trong năm 2023 Năm 2023, nông sản, thủy sản, một số mặt hàng công nghiệp như dệt may, da giày là những nhóm mặt hàng của Việt Nam được nhận định nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường UAE. |
Nỗ lực đưa thêm nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc Bên cạnh các trái cây đã được mở cửa sang thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán mở cửa thêm nhiều loại trái cây sang thị trường này. |