Đón Tết trên đỉnh Phù Lồng
Mùa thu nương ở bản Mông kết thúc cũng là lúc hoa đào rừng nhuộm hồng từng mảng núi báo hiệu mùa xuân về. Đây cũng là thời điểm đồng bào Mông gác lại mọi bận rộn ngày thường để đón Tết, vui xuân. Đồng bào Mông trên bản Phù Lồng, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên bắt đầu ăn Tết vào ngày 1/12 âm lịch. Tết với họ là dịp để mọi người cùng nghỉ ngơi, vui chơi, là dịp để anh em, con cháu trong gia đình gặp gỡ hàn huyên cho mọi người thêm gần gũi.
Cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào Mông nơi đây ngày nâng cao |
Ngày Tết, gia đình ông Hạng Khua Pó tất bật chuẩn bị những món ăn ngon nhất để đón mời anh em, bạn bè đến chung vui. Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn với đất nước và với cả thế giới. Thiên tai, dịch bệnh hoành hành, nhưng bà con dân bản Phù Lồng vẫn luôn tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, giữ cho bản làng được bình yên, no ấm. Bữa cơm chào đón năm mới của gia đình ông Hạng Khua Pó đã được chuẩn bị đầy đủ, có cơm gạo nương thơm dẻo và nhiều món ăn đặc biệt khác ngày thường. Tết có anh em, thân hữu đến chung vui, mọi người quây quần bên bếp lửa, bên hiên nhà cùng nhau trò chuyện, không khí thật đầm ấm. “Người Mông mình thì cứ thu hoạch mùa màng xong là tổ chức đón Tết. Đón Tết là tổng kết năm cũ, đón năm mới và chúc nhau những điều tốt đẹp. Tết năm nay mình không nuôi được nhiều, nhà mình có vịt, gà, mình mua thêm thịt, cá làm mời anh em, con cháu, mong cho năm mới có nhiều điều tốt đẹp hơn.” - Ông Pó cho biết thêm.
Từ người gia đến trẻ nhỏ đều mang trên mình những bộ quần áo mang đậm nét truyền thống của dân tôc trong ngày Tết |
Những năm trước đây, cứ sau 3 ngày Tết các bản Mông thường tổ chức hội vui để người già, người trẻ được đi chơi xuân, trai gái các bản lân cận cũng được đến vui chung, tìm bạn. Nhiều nơi người ta còn tổ chức hội chọi trâu rất náo nhiệt. Năm nay do ảnh hưởng dịch covid -19, hầu hết các bản vùng cao đều không tổ chức vui chơi rộng rãi như mọi năm, tuy vậy dân bản vẫn có hội vui riêng. Bản Phù Lồng nhà nào cũng nuôi trâu. Họ nuôi trâu không chỉ để kéo cày mà còn là để đưa đi hội xuân hàng năm. Không tổ chức hội chọi trâu, nhưng ngày Tết những chú trâu đực có triển vọng trong bản vẫn được dắt tới tập trung trên một bãi rộng. Ở đây chúng được sẽ được gặp gỡ, thử tài với nhau và được đánh giá, chọn lựa để nuôi thành trâu chọi. Những chú trâu to khỏe, dũng mãnh được coi là tài sản quý của người Mông ở Phù Lồng.
Hội chọi trâu đã trở thành truyền thống của đồng bào Mông nơi đây trong dịp lễ Tết |
Tuy hội hè năm nay không được rôm rả như mọi năm, nhưng trong những ngày Tết của bản Mông, thanh, thiếu niên trong bản vẫn rủ nhau đi chơi xuân. Đi chơi xuân, các bà, các chị, các cô gái trẻ và các em bé, ai cũng trở nên lộng lẫy. Họ mặc trên mình bộ trang phục được thêu thùa tỉ mỉ và được biến tấu bằng đủ những tua hoa, hạt cườm và đồng xu sáng lấp lánh. Để làm cho mình đẹp hơn, các cô gái trẻ còn sắm thêm vòng cổ và thắt lưng độc đáo. Chiếc mũ trên đầu cũng được các cô trang trí vô cùng ấn tượng. Không ai bảo ai, họ cùng nhau đến tập trung tại sân vận động của bản. Trò chơi mọi người đều yêu thích trong hội xuân bản Mông là trò ném pao. Các em bé thường chơi pao màu đen, còn các cô gái đã lớn lại tự làm cho mình quả pao hợp với màu sắc bộ trang phục họ mặc.
Ném pao mùa xuân là cơ hội để các chàng trai, cô gái trẻ chưa lập gia đình tìm hiểu, chọn cho mình người bạn đời phù hợp. |
Người Mông ăn Tết 3 ngày, nhưng hội pao trên bản Phù Lồng có thể kéo dài từ một tuần đến nửa tháng. Khi nào hoa đào rừng tàn rụng, trai gái Phù Lồng mới dứt mùa chơi pao. Khởi đầu một năm mới vui tươi, các chàng trai, cô gái mong nên duyên, người người cầu mong bình yên, hạnh phúc và no ấm. Mong cho năm mới này sẽ là một năm mưa thuận, gió hòa để bản làng vùng cao thêm nhiều khởi sắc./.