Độc đáo lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc - Cà Mau
Nguồn video: Truyền hình Cần Thơ
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa được lưu truyền gìn giữ hàng trăm năm. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là dịp để du khách gần xa tìm hiểu về nét đẹp văn hoá của ngư dân miền biển Cà Mau.
Lăng Ông Nam Hải Sông Đốc được trang hoàng lỗng lẫy vào những ngày lễ hội |
Theo lưu truyền trong dân gian và với nguời dân miền biển thì “Cá Ông” là một linh vật hết sức linh thiêng, là vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, tàu bè gặp nạn thì “Ngài” sẽ hiện lên hộ tống tàu bè đưa vào chỗ cạn, an toàn. Và ngược lại, khi Cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng thật trang trọng.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc tổ chức trong ba ngày: 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Mục đích của lễ hội là nhằm tôn vinh loài Cá Ông (Cá Voi) và cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quốc thái dân an. Đặc biệt các ngư dân cầu xin những chuyến ra khơi được bình an và đánh bắt được nhiều tôm, cá...
Theo tín ngưỡng dân gian của ngư dân Sông Đốc, thời điểm rước Ông về Lăng là thời khắc linh thiêng nhất để mọi nhà đem hương án, gồm: nhang đèn, trái cây, gà vịt, heo quay… ra trước cửa nhà cúng lễ nhằm thể hiện lòng tôn kính “Ðức Ông Nam Hải”.
Ngoài những nghi lễ truyền thống, tại Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc còn diễn ra nhiều hoạt động của phần hội như: đánh cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, bóng đá… vô cùng náo nhiệt.
Lễ Hội Nghinh Ông ở Sông Đốc là một nét đẹp văn hoá cộng đồng, một ngày hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đậm chất tín ngưỡng của ngư dân vùng biển. Đó là một nền văn hóa cần được gìn giữ, phát huy đưa vào khai thác để thu hút khách du lịch Cà Mau ngày một nhiều hơn.