Doanh nghiệp Việt thích ứng với điều chỉnh biên giới carbon của EU
Thuế carbon là một công cụ được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người dân giảm lượng khí thải nhà kính. Đối tượng chịu thuế là phát thải trực tiếp hoặc hàm lượng carbon của nhiên liệu hóa thạch…
Khi CBAM có hiệu lực thi hành, thuế carbon sẽ được áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
CBAM sẽ được áp dụng theo ba giai đoạn. Từ tháng 10/2023 – 2025 là giai đoạn chuyển tiếp, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại và không chịu phí CBAM. Từ ngày 2026-2034, doanh nghiệp cần mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm. EU sẽ loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đến năm 2034, các doanh nghiệp sẽ phải nộp 100% phí CBAM.
EU sẽ thí điểm việc đánh thuế cacbon với hàng hoá xuất khẩu từ tháng 10 tới đây. (Ảnh: vneconomy) |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, CBAM của EU sẽ tác động trực tiếp lên 4 nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam là sắt thép, xi măng, nhôm và phân bón. Đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Báo cáo đánh giá tác động của thuế carbon lên 3 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ do World Bank thực hiện vào tháng 5/2021, loại thuế này sẽ làm tăng 36 tỷ USD chi phí mỗi năm của 3 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường châu Âu (thép, xi măng và nhôm).
Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Không chỉ có nhôm – thép mà nhiều ngành hàng thuộc nhóm sản xuất công nghiệp phát thải cao như dệt may, da giày… cũng sẽ phải thích ứng.
Thích nghi với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon
CBAM mang đến nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Theo các chuyên gia của Dezan Shira&Associates CBAM có thể là động lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Cụ thể, CBAM sẽ không áp dụng cho các quốc gia tham gia chương trình mua bán khí thải của EU (ETS), vì vậy Việt Nam có thể thúc đẩy thiết lập hệ thống định giá carbon và tham gia vào ETS để tránh bị đánh thuế.
Bên cạnh đó, các ngành công nghệ ít phát thải carbon, các công nghệ tiết kiệm năng lượng, ngành sản xuất năng lượng sạch sẽ là những ngành nghề, lĩnh vực được hưởng lợi, bởi tăng cường đầu tư vào những ngành này cũng là cách tránh bị đóng phí carbon theo cơ chế CBAM. Với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và sự thuận lợi khi Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến trình trung hòa carbon ngành năng lượng, lấy đó làm nền tảng giảm phát thải cho toàn nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các loại thuế và phí bảo vệ môi trường của Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ và tới đây, nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ được thông qua. Như vậy, “khí thải, nước thải, chất thải rắn đều phải đóng phí bảo vệ môi trường. Về phía đầu vào, chúng tôi cũng phải phải đóng thuế bảo vệ môi trường với dầu thô hay khí thiên nhiên. Rõ ràng, có thể thấy quy định tương đối hoàn thiện”, ông Huy nói.
Trước các quy định về kiểm soát phát thải nhà kính, nhiều tập đoàn hàng đầu như Nike, Adidas, Coca – Cola, Heineken cũng đưa ra các tiêu chí môi trường để lựa chọn nhà cung cấp. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không có giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.
Điều phối quốc gia, Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tại Việt Nam Đỗ Mạnh Toàn khẳng định việc thực hiện các biện pháp chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính là việc cấp bách và cần thực hiện một cách hiệu quả.
Trong đó, việc xây dựng và áp dụng định giá carbon cũng như thuế carbon là việc cần phải làm, để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và các mục tiêu kinh tế, trước mắt nhằm thích ứng với cơ chế CBAM do EU áp dụng bắt đầu thí điểm từ ngày 1/10/2023 và bắt đầu áp dụng chính thức từ 2026.
Về lâu dài, việc áp dụng thuế carbon sẽ là phương án giữ lại nguồn tiền tại Việt Nam phục vụ cho các mục đích liên quan đến chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/10/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm việc đánh thuế carbon với hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo vào cuối mỗi quý phát thải được ghi trong hàng hóa CBAM mà chưa phải thanh toán mức chi phí điều chỉnh. Sau giai đoạn thí điểm, CBAM được thực hiện đầy đủ từ năm 2026, các doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo lượng khí thải carbon và nộp thuế. |
IFAD hỗ trợ nông dân Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế Thông qua dự án quốc tế “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu”, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) hỗ trợ nông dân nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long có thu nhập ổn định, cải thiện sinh kế. |
Nông dân ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhờ đa dạng sinh kế Từ năm 2016, một dự án của Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ hơn một triệu nông dân của ĐBSCL chuyển đổi sinh kế thích ứng với khí hậu và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. |