"Doanh nghiệp và trái chủ hưởng lợi nhờ quy định mới về chào bán, giao dịch trái phiếu..."
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 5/3 góp phần tạo hiệu ứng khiến thị trường chứng khoán tăng ngay khi mở cửa phiên sáng 6/3 với nhiều cổ phiếu bất động sản khởi sắc. Ông đánh giá ra sao về những điểm mới sửa đổi của Nghị định?
- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Một số thay đổi như doanh nghiệp có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác. Tôi cho rằng với quy định mới này, doanh nghiệp và trái chủ đều được hưởng lợi và qua đó giảm lượng cung trái phiếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do tháng 3,4,5 và 6 sẽ là 4 tháng áp lực trái phiếu về lớn nhất. Việc Chính phủ đã kịp thời đưa ra nghị định mới bổ sung giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng giảm bớt áp lực trả nợ trái phiếu, giảm bớt được xác suất thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị bán tháo.
Thứ hai, doanh nghiệp phát hành có thể được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm hay nói cách khác là giãn nợ là hợp lý ở bối cảnh hiện tại. Điều này nhằm tránh áp lực phải trả nợ liên tục vào cao điểm tháng 3,4,5 và 6 như tôi đã đề cập. Việc cơ cấu giãn nợ này ưu điểm là có thể tránh được sự sụp đổ nhất thời ở mảng trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên nếu doanh nghiệp không hoạt động tốt thì khó có thể khôi phục niềm tin và trả nợ được.
Thứ ba, tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Quy định này giúp các nhà đầu tư không chuyên nghiệp vẫn có thể mua vào trái phiếu doanh nghiệp thay vì trước đó phải đáp ứng các điều kiện khá phức tạp. Đây chính là tăng lượng cầu mua vào trái phiếu doanh nghiệp, điều này có thể giúp đỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp không bị mất thanh khoản và không gây ra tình trạng sụp đổ trong ngắn hạn. Hệ lụy gây ra có thể là sự mất mát cho nhà đầu tư thiếu hiểu biết vì quy định này ban đầu là để bảo vệ họ.
Kết lại, tôi cho rằng nghị định sửa đổi và bổ sung mới sẽ tránh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sự sụp đổ ngắn hạn, bao gồm việc giảm lượng cung trái phiếu (1 phần đổi thành tài sản), kéo dài thời gian trả nợ và tăng lượng cầu mua trái phiếu (từ các nhà đầu tư không chuyên nghiệp). Chính phủ đã tận tâm và tận lực cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tôi hy vọng các doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhận định của ông về thị trường trong ngắn và trung hạn khi mà 2 nhóm ngành vốn hóa cao là bất động sản và ngân hàng được dự báo sẽ còn khó khăn?
- Trong ngắn hạn 3-6 tháng, tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có phần tiêu cực khi lãi suất USD đang rục rịch tăng mạnh hơn, lãi suất Việt Nam cũng không thể giảm được do nếu giảm hoặc giữ đứng im sẽ gây áp lực lên tỷ giá và làm tỷ giá có thể tăng mạnh hơn.
Về nhóm ngành bất động sản tôi cho rằng sẽ tiếp tục “đóng băng” đến cuối năm 2024 do thời gian trung bình ở các giai đoạn “đóng băng” thường là 2-3 năm, vì vậy trong thời điểm hiện tại, cổ phiếu bất động sản khó có sóng, nếu có thì cũng chỉ là sóng hồi phục do trước đó đã giảm quá nhiều.
Về nhóm ngành ngân hàng, việc thị trường bất động sản khó khăn có thể sẽ gây nên tình trạng nợ xấu và phải trích lập dự phòng, vì vậy tôi cho rằng nhóm ngành ngân hàng cũng khó tăng mạnh trong giai đoạn 3-6 tháng tới.
Về trung hạn 6 tháng tới 1 năm, tôi cho rằng sẽ bớt khó khăn hơn nếu như FED không tăng lãi suất, tâm lý thoải mái và thích nghi sẽ là chủ đạo giúp thị trường chứng khoán phục hồi mặc dù nền kinh tế có thể chưa hưởng lợi. Do thị trường chứng khoán luôn là phong vũ biểu của nền kinh tế và cũng sẽ chạy trước nền kinh tế. Vì vậy khi thị trường chứng khoán trong ngắn hạn giảm đủ sâu, các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng chiết khấu đủ nhiều sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào doanh nghiệp tốt với giá thấp.
Ông đánh giá gì về giao dịch của khối ngoại gần đây khi họ chuyển hướng bán ròng?
- Kết thúc tuần giao dịch 27/2-3/3, VN-Index đóng cửa ở mức 1.024,7 điểm, giảm 14,8 điểm (-1,24%) so với đóng cửa tuần liền trước. Đây là tuần giảm tuần thứ 2 liên tiếp và cũng là tuần giảm thứ 4 trong 5 tuần trở lại đây. Thanh khoản xuống thấp cùng với chuỗi bán ròng từ khối ngoại chính là áp lực lớn cản trở sự hồi phục của thị trường.
Khối ngoại đã bán ròng sang tuần thứ 3 liên tiếp và là tuần bán ròng thứ 4 kể từ đầu năm. Dòng vốn ngoại cũng rút ròng ở một số thị trường Châu Á khi đồng USD đang ở mức cao trong 7 tuần trở lại đây.
Xét về xu hướng dòng vốn ETFs hiện tại, số liệu bảng dưới cho thấy dòng vốn này đã bán ròng tuần đầu tiên trước kỳ reviews ETFs quý 1. Dòng vốn qua các quỹ ETF chứng kiến tuần rút ròng đầu tiên kể từ khi khối ngoại bán ròng. Từ đầu năm đến nay, dòng tiền ngoại đã giải ngân qua kênh ETFs 141 triệu USD, tương đương 3.285 tỷ đồng. Lũy kế một năm trở lại đây, khối ngoại vẫn đang mua ròng 921 triệu USD.
Nguồn: Bloomberg, MBS. |
Tôi cho rằng khối ngoại bán ròng do lo ngại đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên do lạm phát đã bắt đầu không còn giảm như kỳ vọng, thậm chí một số nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn cho rằng, lãi suất đồng USD có thể tăng vượt 5% (trước đó thị trường kỳ vọng chỉ tăng đến 5%).
Chỉ số đồng Đô la Mỹ (DXY Index) đã tăng trở lại ngưỡng 104 điểm (từ mức 100 điểm) chính là điều quan ngại cho các thị trường tài chính vì khi đồng USD mạnh lên thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng nắm giữ đồng USD thay vì cổ phiếu. Xu hướng rút ròng ở các thị trường Châu Á trong đó có Việt Nam sẽ là bước đi phòng thủ trước khi FED sẽ họp nâng lãi suất vào ngày 22/3/2023.
Việc theo dõi dòng vốn khối ngoại giao dịch là rất quan trọng ở thời điểm hiện tại. Không quá lời khi cho rằng “thành tại khối ngoại, mà bại cũng tại khối ngoại”. Tại thời điểm tháng 11/2022, khi VN-Index giảm về 873 điểm, nhờ có dòng vốn khối ngoại mua ròng và mạnh liên tục nên chỉ trong 1 tháng VN-Index đã tăng 26%, nằm trong top thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới, đa số cổ phiếu đều tăng từ 40-100%. Dòng tiền khối ngoại chính là dòng vốn nâng đỡ trong thời điểm dòng vốn nhà đầu tư nội đang yếu dần do chính sách tăng lãi suất.
Hiện tại, khi khối ngoại bắt đầu bán ròng 3 tuần liên tiếp và ETFs cũng bắt đầu bán ròng tuần đầu tiên thì nhà đầu tư phải hết sức chú ý trong thời điểm này. Nếu như khối ngoại còn tiếp tục bán ròng sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và dễ xảy ra tình trạng bán tháo ồ ạt cùng khối ngoại.
Xin cảm ơn ông!